Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PTTH Quảng Nam… Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.
Bạn thân mến, cuộc sống hiện đại có nhiều phương thức giải trí phong phú,tiện lợi, đôi khi khiến chúng ta làm lơ với những thói quen cũ, như là ngồi đọc một cuốn sách hay chẳng hạn. Thay vì đến nơi nào đó vui chơi, đi xem phim rạp hay bật netflix tại nhà để xem một bộ phim mới… Bạn có thể chọn thay vào đó là đọc một cuốn sách thơm mùi giấy, có khi lại là một cảm nhận thú vị khác… Kim Quảng xin được mời các bạn cùng chia sẻ cảm xúc khi chúng ta đọc những cuốn sách…
Có lẽ khá lâu rồi tôi chưa đọc trọn vẹn một cuốn sách. Quỹ thời gian hạn hẹp của một người mẹ chăm con tuổi mầm non, kèm với list công việc dày đặc nơi công sở, trong khi chồng đi làm xa chỉ về nhà mỗi cuối tuần, thì sách có vẻ như quá xa xỉ.
Có những hôm khoảng trống thời gian giữa lúc vừa vội gửi con đến trường mẫu giáo xong lại chưa đến giờ làm việc, tôi thường ghé quán quen gọi cho mình một tách cafe ấm, đeo chiếc tai phone màu hồng yêu thích, bật nghe mấy bản nhạc lặp đi lặp lại, thả cho suy nghĩ trôi miên man, có hôm lại lạc về những ngày cũ, khi còn là cô bé tiểu học, rồi trung học, đại học, cả lúc độc thân mới đi làm… bên cạnh tôi luôn có những cuốn sách. Sách đã nuôi dưỡng tôi thật nhiều.
Những năm tiểu học trong cặp tôi luôn đựng thêm vài cuốn truyện tranh, truyện cổ tích. Những cuốn sách khổ nhỏ, giấy và màu chưa đẹp như bây giờ, lật giở từng trang truyện nghe mùi thơm nồng phả ra cùng những câu chuyện đưa tôi đi từ thế giới này sang thế giới khác. Đó là những cuộc chiến vũ trụ có bảy viên ngọc rồng lưu lạc quanh trái đất, là chú robot sức mạnh vô song đánh bại mọi thế lực đen tối Héc- man, là những công chúa hoàng tử hay nàng tiên phép màu kỳ diệu, con chó biết nói chuyện và cái cây biết đi… Tôi nhớ mình đã từng tin có nàng tiên, chỉ cần mình ngoan, học giỏi sẽ được gặp và cho điều ước, tôi sẽ ước được có một núi truyện đọc thỏa thích, và sẽ ước thêm bộ đầm màu trắng xinh đẹp với đôi hài nhung đỏ. Những hôm đi vào giấc ngủ lại múm mím cười đợi mong.
Tôi nhớ mình ham đọc đến mức lên cấp hai rồi vẫn mon men về lại trường tiểu học cũ xin cô thủ thư quen cho mượn truyện đọc, vì thư viện trường cấp hai như vẫn chưa đủ với tôi. Không hiểu sao tôi mê đọc và tự động tìm mọi cách để được đến với sách như vậy nữa. Chưa hết, tôi còn tự tìm hiểu, viết đơn đăng kí thẻ thư viện huyện, mỗi tuần vài lần đạp xe năm cây số xuống dưới thị trấn để mượn sách, có hôm ngồi tại phòng thư viện đọc tới chiều. Trường tôi khi ấy cũng chỉ có vài ba học trò đến thư viện huyện, vì ở trường cũng có kho sách với nhiều thể loại rồi. Tôi bắt đầu đọc những cuốn sách dày hơn, những truyện ngắn, tản văn, câu từ trừu tượng lãng mạn cùng những câu chuyện đầy tính nhân văn đi cùng tôi một thời hoa niên thơ mộng.
Mỗi cuốn sách khi được xuất bản luôn mang trong đó giá trị nhất định. Từ trang bìa cho đến lời giới thiệu in nghiêng mào đầu, giới thiệu tác giả, mở ra vấn đề cho đến kết lại… hãy đọc từng chữ một đừng lướt qua, vì não bộ của bạn sẽ học được rất nhiều thứ bên cạnh thông điệp chính trong nội dung cuốn sách. Đó có thể là cách trình bày, cách lên bố cục khoa học cho một vấn đề, lối dẫn chuyện… và thường bạn sẽ thẩm thấu dần thành quen và tự học lóm được những cái hay để vận dụng cho bản thân sau này.
Ở mỗi lứa tuổi chúng ta sẽ thích nghi với mỗi thể loại sách khác nhau. Nếu tuổi thơ là những cuốn truyện đơn giản với lối viết trong sáng nhẹ nhàng lồng vào thông điệp giáo dục đạo đức cho học sinh, thì lớn hơn nữa chúng ta bắt đầu đọc những cuốn sách khoa học, nghiên cứu, mổ xẻ những vấn đề lớn hơn. Tôi của những năm cấp ba lại thêm “ nghiện” chữ. Tôi nhớ mình đích thị là “ thèm” đọc. Tôi đến thư viện mượn sách về đọc, đến nhà ai cũng ngó kệ sách đầu tiên, cứ thấy sách là tôi cầm lên đọc, không ngại hỏi mượn cầm về. Có một điều tôi nhớ, cứ sách mượn là lo chăm chú đọc liền vì tâm lí phải trả. Còn sách mua xếp lên kệ là của mình thường không vội, cứ để đó khi nào rãnh đọc.
Và những cuốn tiểu thuyết vẫn luôn lôi cuốn tôi đến quên ăn quên ngủ. Tôi nghĩ nhà văn họ cũng bỏ cả sinh hoạt thường nhật để viết nên những trang truyện cuốn hút người đọc như vậy. Đọc xong trang này không thể cưỡng lại phải lật thêm trang sau đọc tiếp, tập trung quên cả thời gian. Đó là khi tôi đọc “Cuốn theo chiều gió” của tác gia người Mỹ Margarett Mitchell. Câu chuyện được đặt trong bối cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh Nam Bắc phân tranh. Nhân vật chủ yếu của cuốn tiểu thuyết hơn một nghìn trang là Scarlett O’Hara. Scarlett là một cô gái xinh đẹp, con gái một điền chủ giàu có, rất ngang bướng và ích kỷ, nhưng có nhiều nghị lực. Sau khi Atlanta thất thủ, Scarlett quay về trang trại của mình và bắt tay xây dựng lại từ đầu. Nhờ có tính ngoan cường và cách suy nghĩ thực tế, Scarlett đã trở thành trụ cột chính giúp cả nhà qua cơn nạn chiến tranh. Những khó khăn khủng khiếp do cuộc chiến tranh tàn khốc gây ra đã rèn luyện tính cách của Scarlett nên cô đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Tôi đã đọc từng chữ để hiểu sâu sắc từng nhân vật, sống cùng nghị lực vượt qua của họ và thần tượng cá tính đặc biệt của nhân vật mà tác giả dựng nên. Tôi cực kì yêu thích Scarlett trong truyện. Cô kiêu hãnh về mình, nhưng sẵn sàng thích nghi với thực tế trần trụi của chiến tranh, dám khao khát những điều vượt ra ngoài ranh giới của thời phong kiến khắt khe với người góa phụ, mạnh mẽ như người đàn ông khi cần, và cuốn hút bằng tố chất của một người phụ nữ đặc biệt cá tính… Mỗi trang sách thật khiến người đọc như đang chứng kiến tận mắt khung cảnh ấy, câu chuyện đang diễn ra thời đó. Bạn nên đọc một lần trong đời vài cuốn truyện như vậy, như là “Đồi gió hú” của Emily Bronte, hay “ Nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo… Có thể bạn cũng sẽ giống như tôi, bên cạnh biết thêm về một giai đoạn lịch sử xã hội, còn cảm nhận một khía cạnh tác giả mô tả như tình yêu chân thành của chàng gù Quasimodo dành cho Esmeralda cứ mãi dõi theo Phoebus hào nhoáng giả tạo. Bốn giọt nước mắt của Quasimodo suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết thật đẹp.
Tôi bắt đầu hiểu mỗi cuốn sách viết ra luôn có giá trị riêng khi một lần vì giết thời gian tôi cầm đại cuốn truyện ngắn lên đọc, từng trang nhạt nhẽo cứ kể chuyện lê thê vô vị… mà đến trang kết truyện gấp sách lại tôi khóc. Tôi mãi nhớ tên truyện “ Của chuột và người” còn không nhớ tác giả là ai. Cho nên mới khuyên bạn hãy đọc, và cứ đọc cho bằng hết mọi thứ, sẽ không thừa. Sách nuôi dưỡng bạn, từ nhận thức cho đến những cảm xúc đặc biệt nhất.
Những năm ngồi trên ghế nhà trường, sách là người bạn đồng hành tin cậy của tôi. Từ những bài bình luận, phân tích văn học, cho đến những đề tài tiểu luận nghiên cứu khác… là tích hợp của rất nhiều lần đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách kia.
Những hôm nằm dài trên thảm cỏ xanh dưới tán cây bàng trong vườn nhà thờ Phủ Cam đọc sách buồn ngủ giấc ngắn, câu chuyện đi vào trong mơ, hay sau này cuộn mình trong chăn những ngày mưa đọc cho xong một tiểu thuyết ngôn tình, cả những lần đọc đến mờ mắt, xù tóc, để tìm hiểu một đề tài nghiên cứu… mùi thơm của sách luôn theo tôi suốt những tháng ngày đó.
Dạo gần đây tôi nghe người ta hay nhắc đến cụm từ “ Chữa lành” với muôn dạng chụp ảnh sống ảo hay tìm đến khung cảnh thiên nhiên rồi lan man những câu từ lãng mạn… Chi bằng ngồi lại nơi tĩnh tại, đọc một cuốn sách, biết đâu đó sẽ là sự chữa lành đẹp nhất dành cho bạn.
KQ