Trang chủVăn hóaVỢ CHỒNG THẦY MỘC VÀ CHUYỆN TÔN SƯ…

    VỢ CHỒNG THẦY MỘC VÀ CHUYỆN TÔN SƯ…

    Đại gia đình thân phụ thầy giáo Trần Thân Mộc có tới 13 người (gái, trai, dâu, rể) theo nghề dạy học và tính đến các cháu nội, cháu ngoại thì số người theo nghề dạy học lên đến 40 người, với tổng số năm hiến dâng cho sự nghiệp trồng người của đại gia đình tính toán đã lên tới 700 năm. Hạnh phúc nữa, khi vợ thầy Mộc là cô Đặng Thị Phúc từng có người học trò nhỏ năm xưa nay là người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta.

    Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng hoa cô Đặng Thị Phúc – cô giáo cũ thời tiểu học. (Bức ảnh được gia đình vợ chồng nhà giáo Trần Thân Mộc, Đặng Thị Phúc treo trang trọng trong gian giữa ngôi nhà)

         Cô Phúc và người học trò đặc biệt

    Mỗi năm vào dịp xuân về, hoạt động của hội đồng hương Quảng Nam tại thủ đô Hà Nội lại diễn ra hết sức sôi nổi, đậm đà tình cảm và chất Quảng. Đó là những chuyến đi thăm viếng, những cuộc gặp mặt thân mật của người trong quê ra, việc chọn lựa các món ăn, những phần quà tinh thần cho các cụ cao niên, các em học sinh học khá giỏi…tất cả sẵn sàng cho ngày gặp mặt đồng hương toàn tỉnh dịp đầu năm mới.  Hơn 5 năm trôi qua nhưng tôi vẫn không thể nào quên chuyến mấy anh em Đài PTTH Quảng Nam ra Hà Nội thực hiện hai tập phim tư liệu về đồng hương Quảng Nam tại thủ đô nhân kỷ niệm 60 năm cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2014). Thầy giáo Trần Thân Mộc-Nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ GDĐT, Phó ban liên lạc đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội tuy tuổi cao, sức yếu nhưng hết sức nhiệt tình đưa đón, trong tấm tình thân thiết người trong một nhà, tạo mọi điều kiện cho chúng tôi hoàn thành các tập phim. Gấp rút cho công việc những chúng tôi cũng đã kịp đến thăm gia đình thầy.  Điều bất ngờ, khi thầy biết tôi phát hiện tấm ảnh một lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ôm bó hoa chụp ảnh chung với vợ chồng thầy. Cái ý định về bài viết chuyện đồng hương ở thủ đô lại thôi thúc…những mãi đến hôm nay, tôi mới viết về vợ chồng thầy khi cả hai đều sắp sửa bước vào tuổi 90.

    Tôi vẫn nhớ mãi lời nói nhẹ nhàng nhưng đầy xúc cảm của thầy Mộc. “Một tấm ảnh nhưng là câu chuyện dài về tình nghĩa cô trò…cũng là của gia đình thầy diễm phúc có được”.  Cô Đặng Thị Phúc, vợ thầy Mộc tiếp lời, đó là quãng thời gian cô dạy học ở xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bấy giờ là cậu học trò “nhỏ nhất lớp nhưng học giỏi nhất”. Ngày ấy, cô Phúc về xã Mai Lâm dạy học khi mới vừa tốt nghiệp. Lớp cô dạy là ghép giữa xã Mai Lâm với xã Đông Hội, học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó có lớp trưởng Duy, lớn nhất, bằng tuổi cô, và học trò Trọng, ít tuổi nhất. Việc học tập ngày đó còn nhiều gian khó, lớp học ở làng quê nghèo, bàn ghế, cửa ngõ không đủ, mùa đông thì giá lạnh, mùa hè thì nóng bức. Cậu học trò Nguyễn Phú Trọng nhà ở thôn Đông Trù, đến được lớp học phải đi bộ cả mấy cây số, cả năm học chỉ bận mỗi bộ quần áo màu nâu đất, nhưng là cậu học trò xuất sắc, giỏi toàn diện. Ấn tượng sâu sắc với cô Phúc là trò Trọng rất chăm chỉ, có đôi mắt sáng, chữ viết tròn trịa rất đẹp. Thế rồi cô trò chia tay, không có điều kiện gặp nhau, bởi sau hai năm dạy lớp 4, cô Phúc đi học tiếp, rồi chuyển về nơi khác dạy học. 

    Năm 2001, khi dự buổi họp mặt với học sinh lớp 4 ở Mai Lâm thì có tin, trò Phú Trọng bây giờ làm to lắm. Nhớ về cậu trò nhỏ năm xưa, sau khi về nhà cô Phúc đã viết bài thơ với tựa đề “Người trò nhỏ năm xưa” với những dòng thơ “Thơ ngây mái tóc mười hai/ Áo nâu chân đất, ngô khoai đỡ lòng/ Em trò nhỏ nhất kém chi/ Hăng say phát biểu mỗi khi hiểu bài…”, và đề tặng N.P.T., rồi gửi cho một người bạn. Thầy Mộc cho hay, đây là chuyện đã có nhà báo về hỏi thăm viết bài. Điều bất ngờ nhất đối với cô Đặng Thị Phúc, thầy Mộc là khi người học trò nhỏ năm xưa ấy đã đọc được bài thơ rồi liên lạc xin được đến nhà thăm cô giáo cũ.  Cô Phúc nói trong xúc động, tôi thật không phải khi nói qua điện thoại “Anh đã làm việc lớn, phục vụ nhân dân là quý lắm rồi. Anh bận nên không phải đến thăm cô đâu“.

    Trước khi chia tay cô Phúc còn tự hào cho biết thêm, năm trò Trọng được bầu làm Tổng bí thư, mùng 3 Tết vẫn gọi điện chúc Tết cô. Hôm đó đã là 10h đêm. Tài sản của cô còn có lá thư viết tay của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được cô giữ gìn rất cẩn thận, như bảo vật của nghề giáo. Thầy Mộc bộc bạch, mỗi lần nhìn bức ảnh, vợ chồng tôi vẫn hết sức xúc động…cô thì tóc còn xanh, trò đã phơ phơ màu tuyết.

        Tiếp nối câu chuyện tình nghĩa thầy trò

    Tôi hỏi thầy Trần Thân Mộc, cả đời theo nghề giáo, điều gì ông tâm đắc, đại loại coi như câu chuyện…đời người.  Thầy Mộc cười hiền, về nghề giáo mình nhiều chuyện lắm, người thầy đầu tiên trong đời cũng chính là người cha, nhà giáo Trần Nhẫn (1897-1988), thân mẫu thầy là Thân Thị Nhu – Đại gia đình có có tới 13 người (gái, trai, dâu, rể) theo nghề dạy học và tính đến các cháu nội, cháu ngoại thì số người làm nghề dạy học lên đến 40 người, với tổng số năm hiến dâng cho sự nghiệp trồng người của đại gia đình tính toán lên tới 700 năm. Con số thầy đưa ra làm tôi rất bất ngờ, thú vị.

     “Nhà giáo Trần Nhẫn là thầy, là cha của tôi, tôi quý và học ông trước hết ở đức tính tự học. Khi đang dạy tiểu học ở Duy Xuyên cha đã theo học hàm thụ chương trình toán đại cương của Đại học sư phạm Paris bằng hình thức gửi thư mà vẫn đỗ loại ưu. Nhờ đó, khi cha đang dạy tôi ở lớp đệ nhị niên, cha đã kèm riêng cho tôi học hết chương trình toán bậc trung học”.  Một người thầy nữa mà nhà giáo Trần Thân Mộc đặc biệt quý trọng đó là GS Lê Trí Viễn, người mà thầy Mộc bảo đó chính là thầy của ông. Theo thầy Mộc, GS Lê Trí Viễn là bậc hiền tài văn chương đã nêu tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học. Và với bản thân ông, ngót gần nửa thế kỷ làm thầy ông đã nêu cao tinh thần tự học vốn từ giáo viên cấp 1, tự học để thành giáo viên cấp II, cấp III, Đại học sư phạm Hà Nội, chuyên viên cao cấp Bộ GD ĐT. Thầy giáo Trần Thân Mộc là người sáng lập CLB thơ Nhà giáo (1997-2011) và làm chủ nhiệm CLB suốt 15 năm liền (1997-2011), người đã viết hàng mấy chục chân dung người tài đất Việt trong “Cuốn tài trí Việt Nam” NXB Lao Động 2005, các nhân vật người Quảng Nam xuất sắc như Phan Bôi, Hoàng Bích Sơn, Hoàng Minh Thắng, GS.TSKH Trần Kông Tấu… cho kỷ yếu “Người Quảng Nam ở thủ đô Hà Nội” …

     Thời tiểu học ở quê nhà khoảng năm 1943-1944, thầy Mộc có vinh dự được thầy Lê Trí Viễn giảng dạy. Thầy Mộc kể, hồi nhỏ nhà ông gần nhà thầy Lê Trí Viễn, và chị gái ông lại mến thầy, nên thường bảo ông sang mượn truyện của thầy. Đến nhà thầy Viễn ấn tượng với ông lúc đó, là những quyển sách dày cộc gửi từ Pháp sang còn thơm mùi giấy mới. Những lúc thầy đi vắng ông cứ săm soi đi lại nhìn mà không chán với với cái tủ sách. Ông bảo, lúc thầy vắng nhà không phải thầy đi chơi mà thường là đến mục sư tin lành để học tiếng Anh, hoặc sang nhà ông hương sư học thêm chữ nho.  Nước nhà độc lập, rồi kháng chiến toàn quốc, thầy trò xa mãi đến khi thầy vào Nam trở lại, thì ông tự học xong trung học rồi ra dạy cấp 2 ở Thăng Bình, về làm cán bộ Ty giáo dục Quảng Nam Đà Nẵng. 1968 Thầy Mộc lại gặp giáo sư Lê Trí Viễn khi ông đi cùng đoàn cán bộ Bộ Đại học về nắm tình hình khai giảng khoa văn ĐHSP Hà Nội sơ tán ở Hưng Yên, do thầy Lê Trí Viễn làm chủ nhiệm khoa… năm 1980 ông được gặp thầy trong đợt Nhà nước phong hàm GS. PGS. Năm 2007, thầy Lê Trí Viễn tròn 90 tuổi, xúc cảm trước cuộc đời một người thầy đáng kính, một nhà giáo nhưng cũng là đồng hương trân quý thầy giáo Trần Thân Mộc đã sáng tác bài thơ “Dâng thầy” với những dòng chắt tự trái tim:Học thầy từ thuở mười hai/ Đến nay bảy sáu chẳng phai lời vàng/ Theo thầy nối nghiệp văn chương/ Gia đình đất nước yêu thương nặng tình/ Chúc thầy hạnh phúc khang ninh/ Ngành văn cả nước tôn vinh hiền tàu/ Họ Lê trí sáng đường dài/ Tinh sương tình nghĩa đào mai hát cùng” ./.

    Võ Văn Trường

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU