Trang chủVăn hóaVăn nghệ sĩ góp sức với quê hương

    Văn nghệ sĩ góp sức với quê hương

    Trong hơn 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, những người làm văn học – nghệ thuật (VHNT) đất Quảng từng bước khẳng định vai trò trong xã hội và tiếp bước các thế hệ đi trước, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của quê hương xứ Quảng…

    Nhà văn Hồ Duy Lệ trở lại vùng đông.
    Nhà văn Hồ Duy Lệ trở lại vùng đông.

    Nghiêm túc trải nghiệm thực tế

    Nhà văn Hồ Duy Lệ – nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam vừa có chuyến đi dọc vùng đông từ Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình vào Chu Lai – Núi Thành. Mặc dù đã nghỉ hưu khá lâu, nhưng thói quen của một nhà văn mạnh về ký văn học luôn thôi thúc ông trở lại những nơi mà ngày trước từng đi qua, trăn trở và viết nên nhiều tác phẩm có giá trị như “Cát xanh” in năm 1994, “Mười Chấp và một thời”, “Không có gì trôi đi mất”, “Dặm trường gian truân” và mới đây là “Trụ lại” – tác phẩm đoạt giải đặc biệt của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019… Bởi vùng đất này theo ông luôn có vị trí hết sức quan trọng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc cũng như trong chiến lược phát triển Quảng Nam hiện tại và tương lai.

    Nhà văn Hồ Duy Lệ luôn muốn bắt đầu chuyến đi của mình về vùng đông từ Bàu Bính, Bình Dương (Thăng Bình) – lát cắt hiện thực trong tác phẩm “Dặm dài gian truân” của ông xuất bản cách đây ít lâu. Đây là bức tranh chân thực, tỉ mỉ, cụ thể về người và việc ở vùng đất cát Bình Dương ba lần được phong tặng anh hùng. Từ đây, nhà văn Hồ Duy Lệ nhìn thấy một sự đổi thay không nhỏ dọc ngang những trảng cát dài Bình Dương. Những vệt sáng của công trình, nhà máy, các khu du lịch quy mô ngày càng nhiều trên vùng đất này đã cho thấy một gam màu khác, rất mạnh mẽ trong suy nghĩ, trong tư duy của người Quảng Nam. Nhà văn Hồ Duy Lệ cho rằng, con đường ven biển nối Đà Nẵng – Quảng Nam, chạy xuyên qua các địa phương ven biển dẫu chưa trọn hình hài nhưng đã dần hé lộ một sợi dây kết nối khá hài hòa giữa Quảng Nam – Đà Nẵng.

    Cũng theo nhà văn Hồ Duy Lệ, là người cầm bút hay nói rộng hơn, đội ngũ những người làm VHNT Quảng Nam cần có những trải nghiệm nghiêm túc để nhận diện, khám phá và tìm được tiếng nói đồng điệu với nhịp đập của quê hương. Người nghệ sĩ cần nắm bắt sự chuyển động ở nơi mình đang sống để khắc họa vào tác phẩm. “Hẳn nhiên, ngay từ ngày tái lập tỉnh (1997), Hội VHNT Quảng Nam đã tập hợp anh em văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để anh em hăng say sáng tác. Theo đó, trước là phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, sau nữa là tạo nên tác phẩm VHNT có chiều sâu, phản ánh sinh động đời sống trên nhiều mặt của quê hương xứ Quảng…” – nhà văn Hồ Duy Lệ nói.

    Trăn trở

    Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho rằng, vượt qua nhiều thử thách, hội đã từng bước xây dựng, phát triển được đội ngũ có phẩm chất, có năng lực, nhiều chuyên ngành phát triển lực lượng khá nhanh và có trình độ sáng tạo nhạy cảm, vững vàng như nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, văn học… Hàng năm, hội đều tổ chức để hội viên các chuyên ngành có những đợt đi thực tế lấy tư liệu sáng tác. Ở Quảng Nam, từ đồng bằng lên miền núi, anh em văn nghệ sĩ đều bắt gặp những nhân chứng, tư liệu sinh động, phong phú của một thời đánh giặc cứu nước, của hiện thực xây dựng cuộc sống mới. Từ đó nảy nở những cảm xúc giúp anh chị em có được những tác phẩm giá trị. Đồng thời nhiều tác phẩm giành được giải thưởng cao của khu vực, toàn quốc, quốc tế trong các năm qua cũng khẳng định vị trí VH-NT và vai trò của văn nghệ sĩ Quảng Nam trong việc góp phần xây dựng hình ảnh quê hương

    Dù đạt được nhiều thành quả nhưng “vỉa quặng” cho VHNT ở vùng đất này vẫn chưa được khai thác hết để tạo nên tác phẩm “xứng tầm”. Theo nhạc sĩ Phan Văn Minh, bên cạnh nỗ lực của anh em văn nghệ sĩ, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích kịp thời, cần tạo không gian, thông tin về các lĩnh vực kinh tế – xã hội, sự chuyển động từng ngày ở vùng đất này để anh em làm VHNT có cái nhìn chính xác, có cơ hội tiếp cận mọi khía cạnh xã hội, từ đó tùy sở trường của mỗi người có thể khắc họa sinh động vào tác phẩm. Đồng thời làm sao để tác phẩm VHNT được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến công chúng không chỉ ở Quảng Nam mà lan tỏa ra bên ngoài.

    Sau chuyến đi dọc vùng đông Quảng Nam, nhà văn Hồ Duy Lệ thêm một lần nữa khẳng định, nếu không đi, không nhìn ngắm dáng vóc của quê hương, xứ sở thì lập tức sẽ bị tụt lùi phía sau. Cuộc sống đang chuyển động từng ngày, có những điều có thể không trôi đi mất, nhưng cũng có rất nhiều điều không dừng lại để đợi ai. Người nghệ sĩ cần làm giàu thêm vốn liếng của mình từ những trải nghiệm thực tiễn; bởi vì khó mà hư cấu nên nghệ thuật để đi vào tâm hồn người từ những “khoảng trống vô biên” ấy. Điều rất may mắn và đáng quý là, suốt nhiều năm qua, anh em làm VHNT Quảng Nam trong ngôi nhà chung – Hội VHNT, đã luôn có ý thức trang bị cho mình bản lĩnh nghề từ những thực tiễn sinh động đã và đang diễn ra trên quê hương.

    Nhiều ý kiến văn nghệ sĩ cho rằng, xứ Quảng là vùng đất rất đa dạng văn hóa, đặc biệt là văn hóa – văn nghệ dân gian các vùng miền. Tuy nhiên, lực lượng nghiên cứu ở mảng này vẫn còn rất mỏng, chưa thể đáp ứng yêu cầu cần thiết để nhận diện rõ nét về một bề dày truyền thống văn hóa, bản sắc vùng đất. Do đó, theo nhà nghiên cứu Trần Văn An – Chi Hội trưởng Chi hội văn nghệ dân gian, Hội VHNT Quảng Nam, những người hoạt động trên lĩnh vực này mong muốn tỉnh có những chương trình nghiên cứu lớn về văn nghệ dân gian nhằm xúc tiến công việc có quy mô rộng hơn trong nghiên cứu, tiếp cận và lý giải một đầy đủ diện mạo văn hóa – văn nghệ dân gian Quảng Nam từ đồng bằng, trung du, miền biển và miền núi, góp phần vào việc khắc họa bản sắc của vùng đất xứ Quảng.

     ĐẶNG TRƯƠNG (Nguồn: baoquangnam.vn)
    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU