Trang chủVăn hóaVăn nghệ sĩ đất Quảng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

    Văn nghệ sĩ đất Quảng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

    Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống. Vậy đội ngũ văn nghệ sĩ đất Quảng phải làm gì để không bị tụt hậu?
    Triển lãm “Vì hạnh phúc của mỗi người” do Bộ TT-TT và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại Hà Nội.
    Triển lãm “Vì hạnh phúc của mỗi người” do Bộ TT-TT và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại Hà Nội.

    1. Nhiều người thường nghĩ lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật (VHNT) đơn thuần là vui chơi giải trí và không tạo ra giá trị cho xã hội. Nhưng thực ra các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh… đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào GDP quốc gia và toàn cầu.

    Tuy nhiên, trong hoạt động VHNT ở Quảng Nam, việc tiếp cận CMCN 4.0, vận dụng công nghệ tiên tiến vẫn chưa được quan tâm, đầu tư, công tác quảng bá các sản phẩm văn hóa nghệ thuật trên internet còn nhỏ lẻ; chưa tạo được đột phá về hình thức nghệ thuật để quảng bá, đưa tác phẩm đến gần công chúng; một số cuộc hội thảo, tọa đàm chủ yếu là những bài tham luận được đóng tập dẫn đến nhàm chán, khô khan.

    Việc xuất bản, phát hành, quảng bá sách, băng đĩa, tranh ảnh nghệ thuật… của hầu hết văn nghệ sĩ Quảng Nam vẫn theo hình thức cũ, mang tính “thủ công” ở phạm vi hẹp.

    Các chương trình giao lưu âm nhạc, giới thiệu ca khúc, tác phẩm mới chủ yếu trên sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh, rất ít được phát sóng trên các kênh sóng trung ương. Kết quả sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, VHNT các dân tộc thiểu số – miền núi cũng chỉ dừng ở việc tập hợp in thành sách chứ chưa đưa vào dữ liệu lưu trữ.

    Công nghệ in 3D có đưa vào sử dụng trong lĩnh vực điêu khắc nhưng vẫn còn hạn chế, nhiều người chưa tiếp cận với thị trường mỹ thuật trực tuyến, việc mua bán, trao đổi tác phẩm chủ yếu thông qua các triển lãm, người có nhu cầu thì nhìn tận mắt, rờ tận tay… Các vở diễn, tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, sách, tạp chí… được đưa lên mạng internet nhưng chưa thành hệ thống.

    2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Trong điều kiện mới, xuất hiện nhiều nhân tố mới, CMCN 4.0 tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội. Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững, đi lên, đó là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhưng trước hết là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ có vai trò tiên phong dẫn đầu”.

    Nằm trong quỹ đạo chung, văn nghệ sĩ Quảng Nam không thể tách rời, nếu không kịp thời tiếp cận đà phát triển thì sẽ tụt hậu, lạc lõng trước thời cuộc, đi chệch quỹ đạo của thời đại.

    Sự tương tác và nền tảng số đã cho phép người nghệ sĩ sáng tạo dễ dàng nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của công chúng để tạo ra tác phẩm phù hợp. Văn hóa Quảng Nam giàu bản sắc nhưng đội ngũ làm nghệ thuật cũng đang đứng trước nhiều bất lợi – như ít am hiểu về công nghệ, công tác số hóa chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư thích đáng.

    Tình trạng vi phạm bản quyền về sở hữu trí tuệ trên môi trường số còn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là chưa hình thành được thói quen sử dụng hàng hóa, sản phẩm VHNT có bản quyền.

    Việc áp dụng các công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sáng tạo, ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật sẽ được xóa nhòa. Do vậy, nghệ sĩ phải đổi mới từ tư duy đến hành động, biến công nghệ thành công cụ sáng tác, không lệ thuộc vào công nghệ để rồi trở thành một nghệ sĩ thiếu sáng tạo.

    3. Đối với VHNT Quảng Nam, việc tiếp cận và ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 cần phải đặt ra toàn diện đối với tất cả chuyên ngành. Với loại hình sân khấu, rất cần vận dụng các công nghệ tiên tiến như máy móc kỹ thuật số, internet, công nghệ in 3D vào dàn dựng, biểu diễn.

    Đoàn Ca kịch Quảng Nam vẫn chưa có trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật cao, như kết hợp giữa kỹ thuật số với thiết kế, kỹ thuật sân khấu, âm thanh, ánh sáng, các hiệu ứng tia Laze, đèn Led… Vở diễn cần thu âm, thu hình phải nhờ đến đài trung ương; công tác đào tạo nhân lực, mở lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ vẫn còn chắp vá.

    Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Nam tác nghiệp. Ảnh: L.T.K
    Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Nam tác nghiệp. Ảnh: L.T.K

    Ở lĩnh vực âm nhạc, cùng với sự phát triển của các công ty kinh doanh nhạc số, xu hướng nghe nhạc online, các hiệp hội ghi âm ra đời, nghệ sĩ Quảng Nam cần cập nhật kiến thức cả về chuyên môn làm nhạc cũng như vấn đề bản quyền…

    Công nghệ mới giúp các nhạc sĩ đa dạng hóa cách làm nhạc, cách làm bản phối, thu âm…, mỗi người có thể ở một nơi khác nhau nhưng vẫn có thể sáng tác chung. Ca sĩ có thể thu âm trực tuyến, gửi về một đầu mối.

    Ca sĩ khi phát hành bài hát ở thời đại số thì sẽ đến được với nhiều người, nhiều thị trường hơn một cách nhanh chóng nhất. Vì vậy, đa phần các nhạc sĩ đều đăng ký bản quyền tác phẩm, nâng cao trình độ để bắt kịp với xu thế.

    Theo nhạc sĩ Phan Văn Minh, bảo hộ quyền tác giả là điều kiện bắt buộc trong hội nhập kinh tế quốc tế. Các tác phẩm của ông đều được đăng ký bản quyền và trả tiền quyền tác giả, thông tin về tác giả – tác phẩm được cập nhật thường xuyên trên hệ thống lưu trữ quốc tế Cisnet và trên phần mềm lưu trữ tác giả – tác phẩm châu Á Mis@Asia theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là cơ sở cho các tổ chức bản quyền trên thế giới tra cứu, tìm kiếm thông tin về tác giả – tác phẩm âm nhạc Việt Nam.

    Gần đây, nhiều nghệ sĩ đã tự quảng bá, trao đổi, bán tác phẩm của mình trên mạng. Nhờ công nghệ kỹ thuật số, họ thu hình, thu thanh trực tiếp phát trên mạng internet, nhiều người có thể xem trực tiếp những buổi biểu diễn của các nghệ sĩ.

    Trước đây, độc giả muốn mua hoặc đọc sách thì phải đến thư viện, nhà sách, thì nay với hệ thống giải trí đa phương tiện, mọi người đều có thể ngồi ở nhà để xem, để đọc, để nghe các tác phẩm thông qua điện thoại thông minh.

    Các nhà xuất bản không chỉ in ấn, cung cấp các ấn phẩm truyền thống mà còn cung cấp dịch vụ nội dung, thông tin để kết nối giữa tác giả và người đọc, đồng thời chủ động đặt hàng các tác giả trên cơ sở khảo sát, đánh giá nhu cầu của độc giả.

    Tác động của CMCN 4.0 đối với mỹ thuật, nhiếp ảnh và hoạt động triển lãm rất nhanh và sâu rộng. Nhiều nghệ sĩ Quảng Nam đã ứng dụng phần mềm thiết kế đồ họa, xử lý hình ảnh trong quá trình hoàn thiện tác phẩm cũng như trong việc lưu trữ tác phẩm với chất lượng cao và có thể kết nối, chia sẻ trên môi trường internet như là một dịch vụ văn hóa.

    Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm cho rằng: “CMCN 4.0 giúp nghệ sĩ phát huy năng khiếu mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm nhưng cũng lo ngại quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm trong xu thế chia sẻ dữ liệu lớn trên môi trường internet và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế người họa sĩ, nhiếp ảnh. Rất cần một ngân hàng ảnh dữ liệu nhiếp ảnh và bảo tàng mỹ thuật Quảng Nam”.

    Với văn nghệ dân gian, VHNT các dân tộc thiểu số miền núi, việc ứng dụng công nghệ trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý kho tàng di sản đồ sộ này vẫn còn chậm…

    Để nghệ sĩ Quảng Nam tham gia hiệu quả hơn ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, các đơn vị liên quan từ chính sách đào tạo tài năng, khuyến khích sáng tạo, phổ biến tác phẩm VHNT sử dụng công nghệ hiện đại gắn liền với việc bảo hộ quyền tác giả.

    Mở các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ tiên tiến, kết nối các đơn vị liên quan để giới thiệu, tổ chức biểu diễn các vở diễn sân khấu truyền thống, vừa bảo tồn và phát huy di sản sân khấu truyền thống của dân tộc, vừa quảng bá được sản phẩm. Cần có chiến lược đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, cũng như chế độ đãi ngộ hợp lý.

     QUẾ HÀ – QNO
    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU