Trang chủChính TrịUBND tỉnh họp trực tuyến đánh giá công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

    UBND tỉnh họp trực tuyến đánh giá công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

    Sáng 13/11, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã  chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá công tác ứng phó thiên tai, khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra, đề ra các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai trong thời gian tới. Dự họp có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, Hồ Quang Bửu, đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan.

    Từ giữa tháng 9 đến nay, Quảng Nam xảy ra 3 đợt thiên tai lớn. Đợt lũ đầu tiên diễn ra từ ngày 17 đến 19/9 do mưa lớn toàn tỉnh. Tiếp đó từ ngày 6 đến 13/10, xuất hiện đợt lũ thứ hai do hoàn lưu bão số 6 kết hợp với các hình thái thời tiết như không khí lạnh, hoạt động của đới gió Đông và dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung bộ đã gây mưa lớn diện rộng, tổng lượng mưa phổ biến từ 700 đến 1000mm, có nơi trên 1000mm. Thiệt hại nặng nề nhất đến từ ảnh hưởng của cơn bão số 9 MOLAVE, trong ngày 28/10, thời điểm bão đổ bộ gây ra gió giật mạnh, mưa to xuất hiện ở các địa phương miền núi khiến lũ ống, lũ quét và lở núi nhiều nơi, một số thủy điện phải điều tiết lũ khẩn cấp để đảm bảo an toàn hồ chứa. Thiên tai đã khiến 41 người chết, 19 người mất tích, 274 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 8 nghìn 400 tỷ đồng.

    Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị trước mắt cần tập trung công tác cứu hộ cứu nạn, khôi phục lại các tuyến giao thông, cảnh báo và gia cố các đoạn đường tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Các địa phương cần chủ động sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ để kịp thời xử lý các sự cố bất ngờ do thiên tai gây ra. Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn cho các lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn. Các địa phương Nam Trà My, Phước Sơn khẩn trương có các biện pháp ổn định chỗ ở cho người dân, khảo sát các địa điểm bố trí tái định cư, tỉnh sẽ cử các nhà khoa học cùng tham gia. Cùng với đó phải đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, nước uống, các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân, nhất là các xã bị cô lập. Đối với các nhà máy thủy điện, yêu cầu các đơn vị tăng cường phối với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương, nhất là những địa phương vùng hạ du để đảm bảo thông tin chuẩn xác, nhanh chóng, kịp thời thông báo về tỉnh chủ động sơ tán dân, không gây bị động, bất ngờ.

    Xuân Thịnh – Quốc Thành

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU