Trang chủĐất và người xứ QuảngTiến sĩ Huỳnh Công Bá - một người Quảng hết lòng với sử học

    Tiến sĩ Huỳnh Công Bá – một người Quảng hết lòng với sử học

    Một ngày giữa tháng 6.2021, tôi vô cùng thương tiếc hay tin Tiến sĩ Huỳnh Công Bá – một người con gốc Đại Lộc (Quảng Nam), nhà sử học tài ba đang sinh sống tại Huế đã từ trần. Suốt đời ông đam mê nghiên cứu sử học, hàng trăm cuốn sách, công trình nghiên cứu lịch sử rất quý giá của Tiến sĩ Huỳnh Công Bá được lưu giữ ở 135 thư viện lớn nhiều nước trên thế giới.

     

     
    Tiến sĩ Huỳnh Công Bá.

     

    Tiến sĩ Huỳnh Công Bá sinh ngày 1.12.1953 tại làng Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Thời niên thiếu ông lam lũ với ruộng đồng để có được cái ăn, cái mặc và để được học hành. Chính sự gian khó đó đã tôi luyện cho ông khả năng đương đầu với thử thách của cuộc sống để cống hiến và làm nên những kỳ tích sau này.

    Từ một cậu bé học vỡ lòng rồi tiểu học ở trường làng đến trung học công lập tại Đại Lộc, ông hoàn thành tú tài toàn phần tại trường Trung học Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) vào mùa hè năm 1973, sau đó tiếp tục bước chân vào đại học Huế. Với tấm bằng thủ khoa cùng với bản khóa luận tốt nghiệp sử học xuất sắc, ông được giữ lại làm giảng viên của Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế. Và xứ Huế trở thành quê hương thứ hai của đời ông.

    PGS.TS. Trương Công Huỳnh Kỳ – Trường Đại học Sư phạm (ĐH Huế) tâm sự: “Khi còn sinh viên, thầy Huỳnh Công Bá rất chăm chỉ học hành, thích nghiên cứu, say mê học thuật và điều đó đã trở thành nét đặc trưng trong sinh hoạt, cuộc sống thường ngày của thầy. Đến khi là giảng viên của trường (từ năm 1978 đến nay) thì đam mê lớn nhất của thầy vẫn là học thuật, nghiên cứu, giảng dạy và thích tranh luận…”. Tiến sĩ Huỳnh Công Bá có lần chia sẻ với những người làm báo ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, Đà Nẵng: “Với tôi, niềm vui, hạnh phúc lớn nhất là được nghiên cứu khoa học. Tôi nghĩ rằng, đời người sống chỉ một lần, vì vậy dù có khó khăn đến đâu tôi cũng quyết chí là phải có sản phẩm để lại cho đời”.

    Năm 1996, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học mang tên “Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam – Đà Nẵng giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII” trước hội đồng khoa học gồm các chuyên gia lịch sử hàng đầu Việt Nam. Được biết, tất cả các bản nhận xét của thành viên hội đồng đều khẳng định, với tinh thần cần cù, bền bĩ, vượt khó trong nhiều năm và với thái độ nghiêm túc, tác giả luận án đã sưu tầm và bổ sung được nhiều tư liệu cho việc nghiên cứu những vấn đề thuộc phạm vi thời gian và không gian của đề tài. Đây là đề tài rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, một nguồn tài liệu quý, góp  phần bổ sung hoặc làm sáng tỏ thêm những điều ghi chép của chính sử.

    GS.TS. Trương Hữu Quýnh viết: “Việc tìm hiểu một cách đầy đủ quá trình di dân và mở rộng lãnh thổ Đại Việt trong lịch sử có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với khoa học lịch sử mà còn đối với yêu cầu phát triển đất nước ngày hôm nay”; GS. Lê Văn Lan thì cho rằng: “Hai đặc trưng nổi nét của luận án này là rộng và sâu. Quy mô các vấn đề đặt ra – so với nhiều luận án khác – là nhiều và lớn. Các vấn đề ấy đều được xử lý kỹ lưỡng và cẩn thận. Tác giả đã rất công phu tìm kiếm, huy động và khai thác được nhiều nguồn tư liệu tốt, phong phú…”. Thật vậy, khi nghiên cứu về 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471-2021), tác giả bài viết này đã gặp rất nhiều nội dung quý giá, bổ ích trong tập luận văn này.

    Hơn 40 năm đứng trên bục giảng là hơn 40 năm Tiến sĩ Huỳnh Công Bá có nhiều đóng góp không chỉ đối với bộ môn lịch sử ở nhà trường mà còn đóng góp rất lớn cho công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa của đất nước và của các địa phương. Ông là người đã biên soạn rất nhiều giáo trình và trực tiếp đứng lớp các bộ môn như: Lịch sử nhà nước và pháp quyền Việt Nam, Một số vấn đề về triều Nguyễn, Chế độ ruộng đất ở Việt Nam, Lịch sử văn hóa Việt Nam, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Hình thái kinh tế – xã hội trong lịch sử Việt Nam, Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy lịch sử địa phương… Ông đã có trên 250 bài nghiên cứu tham luận tại các hội thảo khoa học trong và ngoài nước, hoặc đăng trên các tạp chí chuyên ngành như: Nghiên cứu lịch sử, Tạp chí Hán – Nôm, Văn hóa dân gian, Văn hóa Quảng Nam, Xưa và Nay.

    Có thể nói rằng, ông đã “cháy” hết mình cho nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn hóa nước nhà, là một tấm gương sáng về nhân cách và nghề nghiệp. Sách của ông được lưu hành ở 135 thư viện lớn trên thế giới.

    Tiến sĩ Huỳnh Công Bá đã chinh phục người học bằng hệ thống kiến thức sâu sắc của mình cùng với phương pháp truyền đạt theo lối gợi mở và phát triển tư duy, thông qua việc thảo luận giữa thầy và trò. Vì thế, lớp lớp học trò của ông đều dành cho ông những tình cảm trân quý.

    Sách vàng của Liên hiệp UNESCO Việt Nam xuất bản năm 2019 gọi Tiến sĩ Huỳnh Công Bá là “nhất nhân tam diện” – tức người đã thành công trên cả ba mặt: nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà giáo dục; và trên bốn lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, tư tưởng, cổ luật.

    Là một học trò cũ của thầy Huỳnh Công Bá, PGS.TS. Ngô Văn Minh tâm sự: “Trong ngôi nhà đơn sơ của thầy dường như không có gì đáng giá ngoài sách. Mặc dù, nằm trên giường bệnh nhưng thầy vẫn đau đáu về lịch sử, về văn hóa của nước nhà và của Quảng Nam. Thầy bảo, mình chưa kịp viết bài cho 550 năm Danh xưng Quảng Nam…”.

    Tiến sĩ Huỳnh Công Bá không còn trên cõi đời này nữa, nhưng những công trình nghiên cứu khoa học của ông, tâm hồn và nguồn cảm hứng sử học, văn hóa học mang tên Huỳnh Công Bá sẽ mãi trong trái tim chúng ta, tinh khiết, trường tồn.

    Xin được thắp nén hương lòng vĩnh biệt người con của quê hương đã luôn nặng lòng với lịch sử, văn hóa của Quảng Nam!

     

     NGUYỄN HỮU SÁNG – QNO
    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU