Trang chủChính TrịLễ truy tặng Huân chương Sao Vàng cho nguyên Quyền Chủ tịch Nước Huỳnh Thúc Kháng

    Lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng cho nguyên Quyền Chủ tịch Nước Huỳnh Thúc Kháng

    Sáng 15/4 tại Huyện ủy Tiên Phước, UBND tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức Lễ Truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng – Nguyên Quyền Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã về dự và trao Huân chương cao quý này.

    Sáng 15/4 tại Huyện ủy Tiên Phước, UBND tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức Lễ Truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng – Nguyên Quyền Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã về dự và trao Huân chương cao quý này.

    Cùng dự về phía tỉnh Quảng Nam có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thường trực HĐND, UBND, UBMT TQVN tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh, đại diện thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Ngãi, đại diện gia tộc của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đây là sự ghi  ơn công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhà nước ta.

    Thay mặt Đảng và Nhà nước Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Sao Vàng cho cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Nam và gia tộc cụ Huỳnh Thúc Kháng.

    Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đọc tóm tắt tiểu sử cụ Huỳnh Thúc Kháng nêu rõ: Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876 tại Thạnh Bình (nay là xã Tiên Cảnh), huyện Tiên Phước. Sinh ra và lớn lên trong thời buổi đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân ta sống trong cảnh lầm than, cụ Huỳnh nuôi chí lớn. Năm 1904, sau khi đỗ tiến sĩ Hán học, cụ Huỳnh cùng các chí sĩ Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp giương cao ngọn cờ Duy Tân: “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Năm 1908, cụ Huỳnh bị thực dân Pháp bắt và đày ra đảo Côn Lôn. Sau hơn 13 năm sống bị giam cầm, ra tù cụ Huỳnh vẫn tiếp tục mưu việc lớn. Năm 1927, Cụ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Báo Tiếng Dân – tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở Trung kỳ. Gần 16 năm tồn tại, Báo Tiếng Dân phản ánh tiếng nói của dân, bênh vực quyền lợi cho dân, đã tập hợp được những nhà trí thức của hai trường phái Tân học và Nho học. Năm 1943, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa Báo Tiếng Dân, khi bấy giờ tình hình chính trị – xã hội nước ta cũng đã có những biến động. Cuộc tổng khởi nghĩa đã làm nên Cách mạng Tháng Tám (1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến và giao cho chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Bác Hồ sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, cụ Huỳnh được giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thời điểm này, cụ Huỳnh đã trực tiếp lãnh đạo phá tan vụ bạo loạn lật đổ chính quyền non trẻ ở phố Ôn Như Hầu, thu phục nhân tâm, nâng cao uy tín của “Chính phủ Cụ Hồ”. Đó là  công lao to lớn của cụ Huỳnh. Trong khi giữ cương vị Quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh đi kinh lý các tỉnh miền Trung và mất tại Quảng Ngãi vào ngày 21/4/1947 do tuổi cao bệnh nặng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cụ Huỳnh là một người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ biết phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

    Buổi lễ đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng – Nguyên Quyên Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

    Tiếp đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng cho cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Nam và gia tộc cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đây là sự ghi nhận và là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ta đối với những đóng góp to lớn của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do cho Tổ quốc và nhân dân ta.

    Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu lên những ghi nhận và đáng giá rất cao  công lao, ý chí, trí tuệ tài năng đức độ của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã suốt cuộc đời vì nước vì dân, hy sinh vì sự độc lập tự do của dân tộc. Cụ là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu hôm nay noi theo. Noi gương cụ, toàn Đảng toàn dân toàn quân ta tăng cường đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiếp tục giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng quà cho mẹ VNAH Võ Thị Thưởng.

    Ngay sau lễ, Chủ tịch nước cùng các đại biểu đã đến Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh tiến hành dâng hoa, thắp hương tưởng niệm cụ Huỳnh.

    Việt Hảo – Xuân Lộc – Trần Đức

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU