Trang chủPhóng sựTạo động lực để phụ nữ phát triển kinh tế

    Tạo động lực để phụ nữ phát triển kinh tế

    Vượt lên sự bận bịu với vai trò người vợ, người mẹ của gia đình, nhiều phụ nữ xứ Quảng đang thành công với công việc quản lý doanh nghiệp, khẳng định được vị thế của mình trong xã hội và trên thương trường. Những tấm gương này tạo động lực để hội viên phụ nữ phát triển kinh tế thông qua các mô hình khởi sự doanh nghiệp hiệu quả, được sự hỗ trợ của hội phụ nữ các cấp.
    Quảng Nam có hơn 20 doanh nghiệp may xuất khẩu do phụ nữ làm chủ. Ảnh: T.L
    Quảng Nam có hơn 20 doanh nghiệp may xuất khẩu do phụ nữ làm chủ. Ảnh: T.L

    Bản lĩnh của những “thuyền trưởng”

    “May đo là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, mỗi sản phẩm làm ra chỉ dành cho duy nhất một người”. Đó là quan niệm cũng là phương châm làm việc của bà Trịnh Thị Diễm Quỳnh – Tổng Giám đốc Công ty May thời trang Yaly. Từ một cửa hàng may nhỏ gần chợ Hội An, đến nay Yaly đã phát triển thành chuỗi showroom trên các đường phố cổ Hội An như Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Hưng Đạo…, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động địa phương.

    Dòng thời trang du khách là hướng đi mới để đưa thương hiệu Yaly đến với du khách nước ngoài mỗi khi đến với Hội An. Yaly đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực thời trang theo cách chuyên nghiệp nhất; không ngừng mở rộng hợp tác với các nhà thiết kế nổi tiếng nước ngoài để tiệm cận thị trường thế giới theo cách riêng và độc đáo.

    Không gian sản xuất và trưng bày sản phẩm ở các chuỗi showroom của Yaly luôn được bố trí mang nét riêng, đầy tính nghệ thuật, mang đậm bản sắc văn hóa Hội An, tạo nhiều ấn tượng thú vị cho du khách khi đặt chân đến đây. Với thương hiệu nổi tiếng, thời gian qua, Yaly đã đón nhiều chính khách, nghệ sĩ trên thế giới đến tham quan và đặt hàng các sản phẩm thời trang của Yaly…

    Không giống như chủ nhân thời trang Yaly, bà Trần Thị Hiển – Giám đốc Công ty TNHH SX – TM – DV Đại Dương Kính (gọi tắt Công ty Đại Dương Kính) chọn cho mình nghề sản xuất và kinh doanh kính cường lực. Trong những năm qua, Công ty Đại Dương Kính (Cụm công nghiệp Tây An – Duy Xuyên) không ngừng đổi mới, cải tiến và hiện đại hóa các trang thiết bị sản xuất nhằm cung ứng các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước.

    Với ưu điểm về chất lượng, sản phẩm của Đại Dương Kính được nhiều chủ đầu tư chọn lắp đặt cho các công trình có quy mô lớn như Green Plaza Hotel, Công viên Phần mềm Đà Nẵng, Siêu thị Điện máy Chợ Lớn… Chiến lược mang tính ổn định và lâu dài của Công ty Đại Dương Kính đặt ra là tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường mới nhiều tiềm năng như Myanmar, Đài Loan, Úc, Canada…

    Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ, điều hành sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như bà Trần Thị Dung – Tổng Giám đốc Công ty May Tuấn Đạt (Tam Kỳ), bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh –   Giám đốc Công ty TNHH MTV Daichi Foods (Hội An), bà Trần Thị Yến Xuân – Giám đốc Công ty May Mỹ Hưng (Thăng Bình)… Cho dù mỗi người gắn với nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng điểm giống nhau là sự bền bỉ của ý chí, luôn thể hiện khát vọng làm giàu, thể hiện bóng dáng của phụ nữ thời hiện đại dám nghĩ, dám làm, khẳng định được vị thế của mình trong xã hội và trên thương trường.

    Tạo luồng sinh khí mới

    Sau 2 năm triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Ðề án 939), các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh không ngừng năng động, sáng tạo, triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Bà Trương Thị Lộc – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Trong những năm gần đây, ở Quảng Nam xuất hiện nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ, đi đầu trong phong trào khởi nghiệp đạt hiệu quả cao. Nhiều mô hình kinh tế có sức lan tỏa mạnh trong phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương”.

    Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thành công và bền vững, nhất là đối tượng phụ nữ yếu thế thì việc liên kết để thành lập các mô hình kinh tế tập thể là một yếu tố quan trọng mà Hội LHPN tỉnh đang tập trung triển khai. Theo đó, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã tập trung hỗ trợ phụ nữ là chủ hộ sản xuất, kinh doanh, khảo sát, lựa chọn các cơ sở sản xuất kinh doanh có từ 10 lao động trở lên, có doanh thu khá phát triển theo mô hình DN để có cơ hội phát triển theo quy mô lớn.

    Thông qua nguồn vốn của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua kênh hội phụ nữ, toàn tỉnh hiện có hơn 56 nghìn chị em vay hơn 1.700 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ cho hơn 100 chị em triển khai nhiều dự án khởi nghiệp; trong đó tập trung hỗ trợ các mô hình kinh tế trọng điểm, do chị em phụ nữ làm chủ với các ngành nghề mới ra đời như HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây (Hiệp Đức), HTX nước mắm Tam Thanh (Tam Kỳ) và HTX Nông nghiệp Phú Sen (Phú Ninh), HTX Nông nghiệp sạch Quế Châu (Quế Sơn)…

    Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, số DN do phụ nữ làm chủ phần lớn là những DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế. DN do nữ làm chủ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, công nghệ, hạn chế trong việc tham gia các hoạt động xã hội, kết nối mạng lưới và đặc biệt là định kiến về giới vẫn còn tồn tại.

    Theo bà Trương Thị Lộc, thành công bước đầu trong triển khai Đề án 939 ở Quảng Nam là luôn nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng DN. Thời gian đến, Hội LHPN tỉnh sẽ tập trung ưu tiên mở các lớp tập huấn khởi nghiệp, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ đang làm ăn hiệu quả, từ đó giúp chị em mở rộng tầm nhìn, nâng cao tư duy kinh tế, mạnh dạn đầu tư mở rộng các ngành nghề, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập kinh tế gia đình.

    Nguồn: baoquangnam.vn

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU