Trang chủPhóng sựNỗ lực phòng chống dịch tả lợn châu Phi

    Nỗ lực phòng chống dịch tả lợn châu Phi

    Huyện Thăng Bình đang tập trung các nguồn lực, áp dụng đồng bộ các giải pháp để phòng chống dịch tả lợn châu Phi.  
    Ngành chức năng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi heo. Ảnh: VIỆT QUANG
    Ngành chức năng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi heo. Ảnh: VIỆT QUANG

    Xã Bình Dương là địa phương đầu tiên của huyện Thăng Bình có heo chết vì dịch tả lợn châu Phi. Ông Phan Thanh Vân – Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, địa bàn xã có nhiều tuyến đường giao thông chính chạy qua với lưu lượng xe lưu thông hằng ngày rất đông nên nguy cơ bị lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi từ các vùng lân cận rất cao. Ngay khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, UBND xã đã cử cán bộ trực tiếp theo dõi, giám sát đàn heo ở từng thôn, xóm, khống chế vận chuyển heo bệnh. UBND xã đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh để chẩn đoán, xử lý heo bị bệnh, nghi mắc bệnh và chết theo đúng quy định. Nhờ đó, giảm thiểu nguy cơ lây lan, hạn chế heo mắc bệnh liên quan trên địa bàn.

    Theo ông Lê Văn Để – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, đơn vị đã phối hợp khẩn trương, chặt chẽ với Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện trước, trong và ngay khi bệnh xảy ra. Theo đó, đã hướng dẫn quy trình vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi heo và các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Trung tâm đã tiếp nhận và cấp 3.800 lít hóa chất sát trùng cho người dân ở 22 xã, thị trấn. “Chúng tôi hướng dẫn người chăn nuôi lấy mẫu giám sát bệnh, liên hệ thương lái và hỗ trợ xuất bán heo thịt theo hướng dẫn của cấp trên, kịp thời giảm đàn nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế. Khi có kết luận bệnh phẩm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì tiêu hủy và tiêu độc, khử trùng theo quy định nhằm ngăn chặn sự phát tán vi rút” – ông Lê Văn Để nói.

    Mới đây, UBND huyện Thăng Bình đã yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương của huyện tổ chức thực hiện đúng quy trình vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi ở các vùng có nguy cơ mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, thống kê, giám sát chặt chẽ đàn heo nuôi, diễn biến dịch bệnh để chủ động xử lý, tuyệt đối không để dây dưa, kéo dài. Việc mua bán, vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo phải được siết chặt quản lý, khống chế tình trạng bán chạy heo bệnh, việc giết mổ trái phép. Ông Lê Văn Để cho biết thêm, sẽ đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho heo nuôi nhằm đảm bảo ngưỡng miễn dịch quần thể và hạn chế nhiễm bệnh kế phát. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc “năm không” trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

    Nguồn: baoquangnam.vn

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU