Trang chủVăn hóaNGƯỜI ANH HÙNG CỦA ĐẤT QUẾ THỌ 

    NGƯỜI ANH HÙNG CỦA ĐẤT QUẾ THỌ 

    Câu chuyện về AHLLVTND Trần Ngự cũng là câu chuyện về công tác dận vận hết sức độc đáo trong chiến tranh của một người chiến sỹ cách mạng trên quê hương Đất Quảng thân yêu.             

    1/ Quê nhà và những ký ức không quên

    Anh hùng LLVTND Trần Ngự có tên hoạt động cách mạng là Trần Thanh Tâm, sinh 2/10/1923 tại làng Hóa Quê, tổng An Mỹ nay là xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Theo lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng xã Quế Thọ giai đoạn 1930-2010, xuất bản tháng 3.2015, có ghi, ông là một trong những chiến sỹ cách mạng kiên trung. Năm 1937 sau khi học xong trường làng, ông đã được một trong những đảng viên kỳ cựu, cán bộ tiền khởi nghĩa Huỳnh Hảo người cùng làng truyên truyền giác ngộ. 1945 Trần Ngự là Bí thư đoàn xã, năm 1949 đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau Hiệp định Giơ ne vơ Trần Ngự được phân công ở lại hoạt động bí mật cùng Cao Đình Trung, nguyên đội trưởng đội công tác xã Sơn Tây (1955-1960), huyện ủy viên huyện Quế Sơn (1963-1966), Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quế Sơn 1967 đã hy sinh, cũng đã được truy tặng danh hiệu AHLLVTND, ở lại gây dựng cơ sở.

       Biết không thể khai thác được gì từ người cộng sản kiên trung Trần Ngự, ngày 20.7.1961 tên Tôn Thất Dần – Trưởng ty Công an tỉnh Quảng Nam trực thuộc Nha Cảnh sát miền Bắc- Trung Nguyên -Trung Phần, ghi kết luận vào bản lý lịch can cứu chính trị của tù nhân Trần Ngự: “Đảng viên kỳ cựu (1949) kiên trung khó cải tạo. Đề nghị giáo hóa để biệt ngoại và trừng trị xứng đáng với tội lỗi. Thời hạn hai năm tại Trung tâm cải huấn Đà Nẵng, phân loại A, loại tối nguy hiểm cho chế độ Sài Gòn”…

     Anh hùng LLVTND Trần Ngự có tên hoạt động cách mạng là Trần Thanh Tâm, sinh 2/10/1923 tại làng Hóa Quê, tổng An Mỹ nay là xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Theo lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng xã Quế Thọ giai đoạn 1930-2010, xuất bản tháng 3.2015, có ghi, ông là một trong những chiến sỹ cách mạng kiên trung. Năm 1937 sau khi học xong trường làng, ông đã được một trong những đảng viên kỳ cựu, cán bộ tiền khởi nghĩa Huỳnh Hảo người cùng làng truyên truyền giác ngộ. 1945 Trần Ngự là Bí thư đoàn xã, năm 1949 đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau Hiệp định Giơ ne vơ Trần Ngự được phân công ở lại hoạt động bí mật cùng Cao Đình Trung, nguyên đội trưởng đội công tác xã Sơn Tây (1955-1960), huyện ủy viên huyện Quế Sơn (1963-1966), Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quế Sơn 1967 đã hy sinh, cũng đã được truy tặng danh hiệu AHLLVTND, ở lại gây dựng cơ sở.

     Khi còn sống ba tôi vẫn thường kể, tuy nhỏ hơn 2 tuổi nhưng Trần Ngự với ông là hai người bạn thân thiết, bởi cùng giác ngộ cách mạng và được các đồng chí cán bộ đảng viên đầu tiên ở địa phương như Huỳnh Hảo, Đặng Tuyến, Bùi Trọng Khanh, Cao Kiềm, Võ Thắng…dìu dắt tham gia cách mạng từ trước cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8.1945. Năm 1949 ba tôi là Võ Như (bí danh Châu) và người bạn đồng chí hướng Trần Ngự cùng đứng vào hàng ngũ của đảng. Và như thế trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm (1945-1954) hai người đã gắn bó với phong trào cách mạng đầy gian khổ trên chính quê hương đã sản sinh ra mình.

    Trước cách mạng tháng 8.1945, trong những năm 1940-1943, ở khắp nơi trong tỉnh địch tăng cường khủng bố, một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của phong trào bị bắt bớ giam cầm, một số cơ sở cách mạng ở xã Quế Thọ lần lượt bị vỡ. Địch tăng cường vây ráp tuần tra cửa ngõ các làng từ Phú Cốc, Phú Bình, An Sơn đến Võ Xá, An Tây, Mỹ Thạnh, Hóa Trung, An Đông, yểm canh được dựng lên, tối đến tuần đinh mang dây trói, gậy gộc đi canh gác. Địch cấm mọi người ban đêm không được ra khỏi nhà, cấm “quần tam, tụ ngũ”, gây nên không khí căng thẳng, ngột ngạt khắp xóm làng. Tại làng Phú Bình, Quế Thọ quê tôi bọn địch dựng lên một xưởng ép dầu để phục vụ quân đội Nhật. Không chỉ có thế bọn chúng còn ra sức bắt xâu, đi làm trảng Nhật, làm sân bay, sửa chữa cầu cống cho chúng.

     Để lôi kéo thanh niên, bọn thân Nhật tổ chức một tổ chức đoàn thanh niên từ xã đến tổng rồi cấp huyện. Lực lượng này mặc đồng phục quần sooc, áo sơ mi, tổ chức cắm trại, tụ tập lên như một phong trào mới lạ nên rất nhiều người tham gia. Lo ngại trước hoạt động của phong trào thân Nhật này, được sự chỉ đạo ở trên ba tôi cùng đồng chí Trần Ngự thâm nhập trực tiếp vào hàng ngũ tổ chức thanh niên Phan Anh, tuyên truyền lôi kéo nhiều người về với cách mạng, dần dần hướng những thanh niên trong hàng ngũ này thành tổ chức cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Tiếp đó, phong trào cách mạng địa phương hướng về công tác truyền bá quốc ngữ với khẩu hiệu “học túc phá ngu” “khai dân trí”, chọn những người biết chữ trong làng đứng ra mớ lớp dạy những người chưa biết chữ thành nhóm, thành tổ.  Trong các buổi học, giảng viên bí mật đưa vào lớp những bài thơ yêu nước, đồng thời tổ chức vận động nhân dân góp tiền xây dựng chiến khu Ba Tơ, Quảng Ngãi…kêu gọi nhân dân hăng hái ủng hộ lúa gạo, rèn giáo mác, mua băng cờ chuẩn bị sẵn sàng khởi nghĩa…

     Chống lại chiêu bài mê tín dị đoan, bày biện cúng kính thần linh, bỏ bê sản xuất, đình đám nhất phải kể đó là việc ta đột nhập đốt cùng lúc đốt cháy 12 miếu ở các làng Hóa Trung, Phú Bình, An Sơn, Phước Tuy…gây tiếng vang cả một vùng. Nhân dân hồ hởi còn địch thì hoang mang lo sợ cho hoạt động chính trị chống đối của ta.

    Trong cuộc nổi dậy cách mạng tháng 8.1945, đội tự vệ xã Quế Thọ được trang bị 30 cây kiếm, 30 cây cung tên, 2 cây đại đao và 2 khẩu súng săn. Sáng 17.8.1945, nhân dân xã Quế Thọ dưới sự chỉ huy của các ông Huỳnh Hảo, Cao Đăng, Bùi Trọng Khanh, Võ Thắng, Nguyễn Thế Tuân, Nguyễn Mậu Thanh…kéo đến bao vây chính quyền tổng An Mỹ, buộc chánh, phó tổng phải nộp tài liệu, ấn chỉ cho chính quyền cách mạng. Khí thế cách mạng hào hùng những ngày tháng tám ở quê nhà mãi là ký ức không phai với lớp người đã đi qua những năm tháng đó.

    Trong suốt 9 năm kháng chiến, quê tôi lúc đó là vùng tự do, là hậu phương trực tiếp, căn cứ địa vững chắc của huyện, tỉnh và liên khu 5. Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, thế và lực cách mạng ở xã đột ngột thay đổi, từ chỗ một vùng tự do bổng chốc trở thành vùng trắng, chính quyền cách mạng, các đoàn thể nhân dân và tổ chức đảng phải rút vào hoạt động bí mật, khi đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại hiệp định, hất cẳng Pháp nhảy vào miền Nam, đưa Ngô Đình Diệm lập chính phủ tay sai ở Sài Gòn, quay lại trả thù những người kháng chiến cũ.

     Phong trào cách mạng địa phương rơi vào những ngày đen tối. Bọn quốc dân đảng ngóc đầu dậy, tiếp tay Mỹ Diệm đánh phá phong trào cách mạng. Bọn chúng lùng sục khắp thôn xóm, đến từng nhà nhận mặt, ám sát thủ tiêu cán bộ đảng viên. Lúc này hàng loạt cán bộ đảng viên của ta bị sát hại như đồng chí Cáo Méo ở thôn Phú Cốc Tây bị chôn sống, đồng chí Nguyễn Mậu Nam bị chúng dùng đá đè chết tại cầu Đá Dựng, thôn Châu Sơn, xã Quế An; đồng chí Nguyễn Mậu Cửu bị ám sát tại Chợ Đàng Quế Sơn; đồng chí Nguyễn Phu bị ám sát tại Phú Cốc; các đồng chí Trần Thiêm, Đặng Ngọc Diện, Đặng Diêu (An Tây) bị bỏ bao tời ném xuống sông Trầu…đã gây ra không khí rùng rợn khắp xóm thôn.

     Trước tình thế này, Đảng bộ xã Quế Thọ phải giải tán tổ chức lại chi bộ nhỏ bí mật theo đơn vị thôn. Hoạt động được một thời gian thì ba tôi có lệnh tập kết ra Bắc. Riêng người đồng đội thân thiết là Trần Ngự được tổ chức phân công ở lại. Và trong cuộc chiến với quân thù người đồng đội của ba đã anh dũng hy sinh hết sức lẫm liệt.

    2/ Niềm tự hào gương người cộng sản kiên trung

     Chiến sỹ cách mạng Trần Ngự hy sinh năm 1969 nhưng mãi đến 2014 mới được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu  AHLLVTND. Điều đáng nói, nhiều năm sau ngày đất nước thống nhất, hồ sơ về những năm tháng bị địch bắt tù đày của chiến sỹ cách mạng Trần Ngự mới được tìm thấy từ kho tàn thư của chế độ cũ, hiện Công an tỉnh Quảng Nam lưu giữ.

    Chị Trần Thị Thanh Hải, con gái liệt sỹ Trần Ngự xúc động trong buổi lễ đón nhận danh hiệu AHLLVT cho người cha thân yêu của mình đã nói, dẫu muộn nhưng những đóng góp sự hy sinh của người cha đã được ghi nhận. Song tiếc là trong ngày vui thì nhiều đồng chí đồng đội của ba, trong đó có ba tôi – một người bạn cùng quê, cùng gắn bó với phong trào cách mạng địa phương suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm trường kỳ đã không còn sống để chứng kiến.

     Lần theo lời kể của các đồng chí cùng hoạt động cách mạng với AHLLVTND Trần Ngự, tôi đươc biết, sau khi ba tôi tập kết ra Bắc, đồng chí Trần Ngự tiếp tục công việc của chiến sỹ cách mạng, ở giai đoạn mới đặc biệt cam go. Tháng 3.1955, sau những vụ khủng bố man rợ của kẻ địch, ta tổ chức xây dựng lại phong trào, móc nối cơ sở, thành lập nhiều “Tổ Trung kiên” để làm nòng cốt cho các cuộc đấu tranh chống Mỹ-Diệm. Song do lực lượng chênh lệch, ta bị tổn thất rất nặng, phong trào cách mạng đương đầu với nhiều thách thức nghiêm trọng. Trong hai năm 1956-1957 địch liên tục mở nhiều lớp “tố cộng”, bắt hàng trăm người gồm cán bộ, đảng viên và gia đình có người tập kết, thoát ly tập trung “chỉnh huấn’ tại quận Hiệp Đức, mỗi đợt 100 ngày.

    Năm 1957 cơ sở bị lộ, đồng chí Trần Ngự bị địch bắt rồi giam tại nhà lao Quế Sơn. Không đủ chứng cứ và không thể khai thác được gì ở người chiến sỹ cộng sản này nên bọn địch đành thả ông ra. Lần thứ hai Trần Ngự bị địch bắt cuối 1959, giam tại nhà lao Hiệp Đức, sau đó chuyển ra lao Hội An rồi chuổi các lao tù khác như Khám Chí Hòa, Côn Đảo.

     Chị Nguyễn Thị Lũy, một người bạn chiến đấu của đồng chí Trần Ngự kể, cuối năm 1959 chị cùng anh Trần Ngự và các anh chị: Phan Long, Nguyễn Văn Tri, Nguyễn Thị Xuân Hường, Lê Quyền bị địch chuyển từ lao Hiệp Đức ra lao Hội An.  Ngầm biết Trần Ngự là người chỉ huy phong trào cách mạng địa phương nên bọn chúng tra tấn anh rất dã man, liên tiếp trong 1 tuần. Lần đầu khi thấy lính đẩy anh xuống phòng giam thì cả người sung bầm tím, da rươm rướm máu, hai mắt anh như muốn lồi ra, tay chân đều sung to, áo quần ướt hết vì máu, hồ hôi và cả nước xà phòng…Và những lần sau, chúng lại tra tấn cách khác; kẹp điện vào hai ngón chân cái; cột hai tay hai chân lên ghế rồi đổ nước xà phòng vào miệng đến khi đầy bụng ngạt thở, chúng để lên trên bụng anh một tám ván rồi dung chân đạp lên ván thế là nước trào ra cả miệng, hậu môn; dã man hơn chúng cột hai tay và chân treo anh lên , rồi nắm dây giật cho đầu đập vào tường, hễ cựa quậy thì không những đầu anh mà cả người đều đập quanh tường đến khi ngất xỉu, không thở được nữa chúng mới thả xuống cho nằm dưới nền đất…

    Đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, chết đi sống lại nhiều lần nhưng với tinh thần gan dạ, ý chí kiên cường bất khuất, nên bọn địch vẫn không khai thác được gì. Cai ngục lại chuyển đồng chí Trần Ngự đến Ty Công an để thẩm cung. Cuối cùng không thể khuất phục Ty trưởng Công an Quảng Nam đành phải bí chú đặc biệt …rồi đưa đồng chí Trần Ngự ra Trung tâm cải huấn Đà Nẵng với số tù 041. Sau đó địch đày anh ra Khám Chí Hòa, năm 1962 chúng lại tiếp tục đưa ra Côn Đảo.  Chính quyền họ Ngô sụp đổ, nhiều chiến sỹ cách mạng của ta được trở về. Song âm mưu địch sẽ dần thủ tiêu…biết được điều này từ những ngày ở tù, năm 1964 sau khi ra tù, đồng chí Trần Ngự không về lại gia đình mà bí mật cùng với các anh Cao Đình Trung, Phạm Văn Kim quay lại hoạt động xây dựng cơ sở và phong trào cách mạng ở địa phương. Theo  sách “Hiệp Đức huyện anh hùng” xuất bản năm 2000”, sau ra tù đồng chí Trần Ngự đã cùng đồng đội ba lần đánh vào ấp chiến lược Sơn Tây, đốt cháy trụ sở hội đồng, tập kích Hội đồng xã Sơn Hòa và đã cùng quân và dân tham gia chiến dịch xuân 1965 đán tan quân ngụy ở quận lỵ Hiệp Đức lần thứ 2.

    Cùng với đấu tranh vũ trang, từ tháng 5 đến tháng 11 năm 1965, lực lượng đấu tranh chính trị của các xã Sơn Tây, Sơn Tú, Sơn Hòa (Quế Thọ) đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị, đưa gia đình binh sỹ ngụy đến quận Hiệp Đức, Quế Sơn, xuống đồn Cao Lao Việt An để vận động chồng, con em bỏ súng trở về vùng giải phóng. Nhân dân các xã đấu tranh với địch ở quận Hiệp Đức, chống bắn pháo vào làng, chống càn quét phá hoại tài sản nhân dân, buộc quận trưởng Chu Nguyên phải nhận lỗi và hứa giải quyết những yêu cầu của nhân dân…

    Với cương vị Phó Ban Tuyên huấn Huyện ủy Quế Sơn, phụ trách hai xã Sơn Tây và Sơn Tú, đồng chí Trần Ngự đã viết thư kêu gọi binh lính ngụy trong quận Hiệp Đức bỏ súng trở về với cách mạng, không được càn quét bắn giết đồng bào. Chị Cao Thị Liên đem thư gửi tận tay cho anh Trần Ngọc Hoàng, y tá nghĩa quân. Kết quả có 6 nghĩa quân mang súng trở về với cách mạng và tham gia công tác địa phương, trở thành cán bộ, du kích như các anh Trần Ngọc Hoàng trở thành xã đội trưởng của ta, đã chỉ huy chiến đấu diệt Mỹ 7 tên.  Tháng 7.1969 được đi dự báo công toàn tỉnh , toàn quân khu V và vinh dự được tặng huy hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ cấp 1”. Anh Hoàng hy sinh trong một trận đánh ấp khu dồn tại quận Hiệp Đức đêm 25.3.1970; Trần Văn Hảo – Xã đội phó chiến đấu ngoan cường và đã anh dũng hy sinh; Trần Được, Hồ Lạc, Trần Lầu là những chiến sỹ du kích quả cảm, chiến đấu ngoan cường và đã hy sinh anh dũng; Trần Ngọc Nha, nguyên Chủ tịch UBND xã, nay từ trần…

    Theo ông Ngô Đình Chân, nguyên Chủ tịch UBND xã Quế Thọ, ông Phan Sô, nguyên xã đội trưởng xã Sơn An, nguyên Chủ tịch Hội tù yêu nước huyện Hiệp Đức, từng công tác với đồng chí Trần Ngự cho biết, ngày 4.4.1969 trên đường công tác từ huyện Quế Sơn về các xã lân cận Hiệp Đức thì đồng chí Trần Ngự lọt ổ phục kích của địch tại Đình Lá, thôn Cẩm Tú, xã Quế Thọ. Điều đáng khâm phục, mặc dầu đã bị địch bắn trọng thương nhưng trước khi hy sinh, đồng chí vẫn nổ súng tiêu diệt được một tên Mỹ. Sau khi hy sinh bọn giặc đã tâm dùng dao chặt đầu đồng chí Trần Ngự treo lên một cành cây, rồi chúng tổ chức canh phòng dài ngày nhằm mai phục đồng đội đến lấy xác, nên anh em du kích địa phương không ai vào được. Đến vài tuần sau anh em đồng đội mới lấy được và mai táng một phần hài cốt, phần thân xem như đã mất vì chim, thú. Đồng chí Trần Ngự ra đi để lại vợ và 4 con nhỏ, đứa nhỏ nhất chưa tròn 5 tháng tuổi.

     Ông Đoàn Văn Viên- Nguyên Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức, người dành nhiều tâm huyết, sưu tra, từ các nhân chứng lịch sử góp phần hoàn thiện hồ sơ về quá trình hoạt động cách mạng của liệt sỹ Trần Ngự bộc bạch, sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp đàn anh đi trước cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là không thể cân, đo, đong, đếm được. Việc làm của thế hệ hôm nay là trách nhiệm và là nghĩa cử với thế hệ đi trước, trong đó AHLLVT Trần Ngự là một trường hợp như thế. Tấm gương kiên trung và khí tiết người cộng sản Trần Ngự còn mãi là niềm tự hào của người dân Quế Thọ quê tôi.

    Võ Văn Trường  

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU