Trang chủPhóng sựNGÀY BÁC ĐI XA…

    NGÀY BÁC ĐI XA…

    1/Dành cả đời mình để nghiên cứu về Bác

    Rất may mắn trong đợt tìm kiếm tư liệu về những danh nhân Đất Quảng từng có thời gian gần gủi với Bác Hồ tại thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã được một chuyên gia dành cả đời mình để nghiên cứu về Bác. Ông là Nguyễn Bá Ngọc, sinh năm 1951, quê ở Liên Thành, Yên Thành, Nghệ An, hiện thường trú ở số 67 phố Vạn Bảo, quận Ba Đình, Hà Nội. Thật đáng quý khi biết, ông Ngọc từng học tập ở Liên Xô, rồi về nước công tác trên lĩnh vực bảo tàng, lưu trữ quốc gia hơn 30 năm và đã xuất bản hơn 10 đầu sách về Bác Hồ kính yêu.

    Ấn tượng đầu tiên tôi cảm nhận là ông Nguyễn Bá Ngọc có tướng mạo phong thái cũng hao hao giống Bác, nhất là tấm ảnh thời trẻ ông dùng để in ở bìa cuối các tác phẩm viết về Bác của mình. Ông Ngọc tâm sự, “Lăng Bác, Nhà sàn, Bảo tàng mang tên Bác tạo thành một quần thể di tích kỳ vĩ giữa lòng thủ đô Hà Nội”. Để hiểu thêm cụm di tích này ông đã dành nhiều năm tháng tìm hiểu, gặp gỡ những con người từng chứng nhân lịch sử để ghi chép, tra cứu, trao đổi cùng nhiều nguồn tài liệu chính thống khác để ra mắt bạn đọc và

    cũng để cung cấp một cách hệ thống những tư liệu quý về Bác Hồ với cuốn sách mà ông tâm đắc có tên “Lăng, Nhà sàn, Bảo tàng Hồ Chí Minh” do NXB Lao động ấn hành. Tuy không phải lần đầu tiên được nghe, những mẩu chuyện về Bác, nhưng qua ông có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được nghe kể chuyện một cách cặn kẽ, chân xác, cảm động đến trào nước mắt ngày Bác đi xa.

    Bác Hồ và Bác Tôn.

    Đó là chuyện kể về “tổ công tác đặc biệt”, được cử đi học cách giữ gìn thi hài trước hai năm ngày Bác mất; về “tổ y tế đặc biệt” làm việc hết mình để gìn giữ tốt nhất thi hài Bác; về sáu lần di chuyển để bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Bác, sơ tán tránh máy bay địch, tránh bão lụt…chuyện kể về quá trình xây lăng Bác, về những kỷ niệm cuộc đời Bác ở nơi Nhà sàn, Khu Phủ Chủ tịch…

    Bác Hồ ở Tân Trào.

    50 năm Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh Bác như vẫn còn đó, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Giữa những năm tháng chiến tranh, khát vọng vào thăm đồng bào chiến sỹ  miền Nam luôn thôi thúc trái tim Bác. Nhớ lần vào thăm Quảng Bình, nhìn về phía Nam, Bác nói thật cảm động: “Bác đã đi đến nơi nhưng chưa về đến chốn”. Tuổi cao, sức khỏe Bác ngày một giảm và rồi điều không ai muốn cũng đã đến. 9 giờ 47 phút ngày mồng 2 tháng 9 năm 1969 trái tim Bác ngừng đập, trọn đúng ngày đó 24 năm trước, Bác khai sinh nước Việt Nam mới. Chuẩn bị giây phút ra đi của Bác, mọi việc tiến hành từ rất sớm, với mục đích cao nhất là gìn giữ thật tốt thì hài của Bác mãi mãi về sau.

           2/ Tổ công tác đặc biệt.

            Ông Thái Bá Ngọc kể, thời điểm từ năm 1967, cuộc chiến tranh do Mỹ tăng cường ngày càng ác liệt trên khắp chiến trường Việt Nam, đặc biệt chúng đẩy mạnh leo thang đánh phá miền Bắc. Cũng vào thời điểm đó, “tổ công tác đặc biệt” gồm các bác sỹ Nguyễn Gia Quyền (Chủ nhiệm khoa giải phẫu bệnh viện quân đội 108), bác sỹ Lê Ngọc Mẫn (Chủ nhiệm khoa nội tiết bệnh viện Bạch Mai) và bác sỹ Lê Điều (Chủ nhiệm khoa ngoại bệnh viện hữu nghị Việt – Xô) được cử sang Liên Xô học tập “công việc đặc biệt” với một yêu cầu rất đơn giản nhưng vô cùng quan trọng: “Tất cả mọi việc chúng ta đều làm theo lời Bác, không giấu Bác điều gì, nhưng việc này tuyệt đối không để Bác biết. Nếu biết Bác sẽ buồn và không cho thực hiện kế hoạch. Ngay đến vợ con cũng không cho tiết lộ chi tiết nào về nhiệm vụ chuyến đi.

             Ngày 14.9.1967 đoàn đến Mátxcơva, ngày hôm sau được đưa tới Viện nghiên cứu Lăng Lê Nin để trao đổi về chương trình học tập. Sau này các bác sỹ trong tổ công tác đặc biệt cho biết, chương trình học tập lúc đó chia làm hai phần: Lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết chủ yếu học từ tài liệu của Viện, phần thực hành sẽ do người trực tiếp tham gia ướp giữ thi hài Đimitơrốp –giáo sư Xarovatop hướng dẫn. Đoàn được trực tiếp nghiên cứu nhiều tài liệu quý về bảo tồn thi thể từ cổ chí kim trên thế giới nhất là tài liệu của Ai Cập, Mỹ…đặc biệt được nghiên cứu những thành tựu khoa học Xô Viết.

    Phần thực hành được làm việc tại bộ phận dành riêng cho bảo quản thi thể, đối tượng nghiên cứu là người già trên 60 tuổi. Việc tìm kiếm một thi thể cho đoàn nghiên cứu là một việc làm rất khó khăn, phức tạp với bạn, nhưng với tinh thần nhiệt tình, bạn đã đáp ứng đầy đủ cho ta. Với trách nhiệm lớn lao với công việc cả ba thành viên đều tập trung hết khả năng nhiệt tình để cố gắng trong thời gian ngắn có thể làm chủ được kỹ thuật giữ được thi hài trong giai đoạn đầu. Ngày làm việc miệt mài trong phòng kín ngột ngạt, bởi các khí đột hóa chất xông lên nồng nặc, về đêm tranh thủ đọc thêm tài liệu, trao đổi rút kinh nghiệm. Thời gian bảy tháng học tập đã hết đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về nước.

          3/ Tổ y tế đặc biệt.

            Khi tổ công tác đặc biệt về nước, do yêu cầu công tác nên được chia thành hai bộ phận. Bác sỹ Lê Ngọc Mẫn vinh dự được cùng với bác sỹ Nhữ Thế Bảo theo dõi chăm sóc sức khỏe Bác Hồ. Bác sỹ Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều thành lập tổ y tế đặc biệt.

    Nhiệm vụ lúc đó là phải thiết kế, thi công một công trình khó khăn, phức tạp cho những thí nghiệm y khoa. Tháng 6.1968, Bộ Tư lệnh công binh được giao nhiệm vụ gấp rút xây dựng phòng thí nghiệm đặc biệt để tổ sớm tiến hành công tác thí nghiệm giữ gìn thi hài trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Yêu cầu thiết kế thi công một công trình luôn giữ nhiệt độ 16C, độ ẩm ổn định 75%, trong điều kiện không gió và vô trùng tuyệt đối, lại phải thi công nhanh, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Nhưng với một công trình đặc biệt, phục vụ cho một công việc đặc biệt, mặc dù lúc đó những người xây dựng không biết mục đích cụ thể nhưng mỗi người đều lao động với khả năng cao nhất, các ca kíp thay nhau làm việc suốt ngày đêm tại một khu vực gần ngay bệnh viện quân đội 108. Chỉ trong thời gian ngắn công việc cơ bản đã hoàn thành, nhưng khi bắt đầu lắp đặt các trang thiết bị thì những trục trặc kỹ thuật xảy ra. Như không làm chủ được điều hòa nhiệt độ, hiện tượng sương đọng trên mặt trần dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn hoạt động, mà yêu cầu vô trùng phải tuyệt đối.

              Những chuyện ấy dần được khắc phục. Vào cuối năm 1968 công trình được hoàn chỉnh mang biệt danh 75A. Khi tổ y tế đặc biệt đến nhận công trình có các đồng chí chuyên gia giàu kinh nghiệm của bạn sang kiểm nghiệm chất lượng và được đánh giá rất cao. Đội công binh vẫn chưa nghỉ tay lại tiếp tục thi công công trình mới 75B là nơi sẽ đặt thi hài Bác Hồ trong những ngày tang lễ. Đây là công trình cũng rất quan trọng vì nó quyết định cả quá trình giữ gìn thi hài Bác về lâu dài, tuyệt đối không để xảy ra một sơ suất nào, dẫu rất nhỏ. Công trình 75B được thi công trong hoàn cảnh khó khăn vì địa điểm chật hẹp, phải bí mật không thể làm ban ngày vì nhiều người qua lại.

              Để chuẩn bị đón ngày mà trong tâm khảm không ai muốn xảy ra, ngoài việc chuẩn bị cử người đi học kỹ thuật bảo quản thi hài, xây dựng các công trình đặc biệt, Trung ương còn cử đồng chí Phùng Thế Tài sang một số nước tìm hiểu nghi thức quốc tang. Tìm hiểu kỹ từng chi tiết nhỏ như vì sao mai táng lại dùng xe kéo pháo mà không dùng các loại xe khác. Ở Liên Xô, bạn trả lời trước đây trong thời gian chiến tranh Đại tướng Cutudốp chết, người ta dùng xe kéo pháo chở linh cữu, còn ở Bugari bạn giải thích tùy theo phong tục tập quán mỗi nước, chứ không có quy định chung. Khi được nghe báo cáo như vậy, ta đề xuất phương án nên dùng xe ngựa để tránh sự ồn ào. Lập tức đồng chí Đỗ Viết Kháng- cục trưởng Cục Cảnh vệ được cử đi Mông Cổ mua ngựa, nhưng khi diễn tập thì thấy không được tốt nên quyết định dùng xe kéo pháo.

              Trong thời gian này “tổ y tế đặc biệt” khẩn trương tiến hành những công việc quan trọng. Tổ đã liên hệ với xí nghiệp đá An Dương làm chiếc bàn đá ganito  giống như chiếc bàn trong phòng phẫu thuật ở Viện thi hài Lê Nin. Việc chuẩn bị dụng cụ chuyên dụng như kim tiêm đặc biệt, ống thông chỉ platôn, chỉ vàng bạch kim… gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trưởng Ban bảo vệ sức khỏe của Bác rất lo lắng cho tổ y tế đặc biệt. Đồng chí luôn động viên, tạo điều kiện tốt nhất để tổ hoàn thành nhiệm vụ. Cuối cùng những dụng cụ đó cũng được chuẩn bị chu tất.

            Thêm vấn đề nảy sinh, làm sao tìm được thi thể để thử nghiệm. Đây là vấn đề khó khăn, vì theo phong tục tập quán người Việt Nam, khi người quá cố còn thân nhân thì không ai cho phép để lại thi thể người chết. Nhưng cuối cùng ở các bệnh viện cũng đã tìm được thi thể người mất không còn thân nhân. Công việc thực nghiệm tiến hành khẩn trương, chu đáo, cẩn trọng, kiểm tra kết quả với chất lượng cao. Tổ y tế đặc bệt tin tưởng khẳng định chắc chắn rằng, hoàn toàn có thể gìn giữ được thi thể Bác trong giai đoạn đầu.

              3/ Những khó khăn mới phát sinh

              Đến năm 1969, ta cử thêm đoàn cán bộ sang Liên Xô tiếp tục nghiên cứu công tác bảo quản thi thể tại nơi tưởng niệm lễ tang và trong quá trình vận chuyển, cũng như tìm hiểu sơ bộ việc xây lăng mộ. Trong quá trình thực nghiệm, phát hiện ra chiếc hòm kính đặt thi hài không đảm bảo chất lượng tốt. Việc làm chiếc hòm mới theo tiêu chuẩn gặp nhiều khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, vì yêu cầu chất lượng cao, kính không gợn sóng, trong suốt mà ở Việt Nam loại kính đó chưa sản xuất được. Có ý kiến đề xuất lấy kính của quày Bách hóa tổng hợp, nhưng khi kiểm tra thì kính đó không đảm bảo, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.  Cuộc tìm kiếm đó được mọi người tiến hành rất khẩn trương, vì trên tinh thần độc lập tự chủ, cái nào làm được là tự làm, không ỷ lại. Rất may phát hiện ở gầm sân khấu Hội trường Ba Đình có một số tấm kính, khi kiểm tra kết quả rất bất ngờ kính tốt đạt tiêu chuẩn. Hòm kính để thi hài đã làm xong, nhưng việc khác lại nảy sinh, đôi dép huyền thoại luôn bên Bác không thể không có chỗ để trong hòm kính thì không được, mà để ngoài thì không ổn; cho nên phải làm thêm một hòm kính nhỏ khác để vừa đôi dép.

              Một việc quan trọng khác đồng thời phải triển khai đó là luyện tập các nghi thức tang lễ. Lữ đoàn 144 lựa chọn 150 chiến sỹ được luyện tập các động tác tiêu binh danh dự, tập tiếp cận mục tiêu bảo vệ, khiêng linh cữu vòng hoa…các động tác phải thuần thục và các quy định của nghi lễ Quốc tang. Việc khiêng linh cữu được quan tâm nhiều, chiếc lĩnh cữu được đóng bằng gỗ Ngọc Am – Một loại gỗ thơm ngát, màu vàng chanh, quý hiếm nặng hơn 200 kg, bên trong còn chứa hai bao gạo, trên nóc linh cữu để một bát nước đầy, 16 người khiêng đi đúng điều lệ xuống bậc tam cấp thật nhịp nhàng, sao cho bát nước không sánh ra ngoài. Ngoài ra, còn bộ phận luyện tập phương án di chuyển thi hài từ Phủ Chủ tịch đến bệnh viện quân y 108 và ngược lại….Và rồi đến ngày Bác ra đi thanh thản như một tiên ông làm trọn việc đời ban phúc cho mọi chúng sinh.

              4/ Giữ yên giấc ngủ cho Người

             Ba giờ ngày 6.9.1969, Ban tổ chức tang lễ cùng các chuyên gia y tế kiểm tra lần cuối các mặt chuẩn bị cho ngày viếng đầu tiên. Các kết quả thật mỹ mãn với chất lượng cao mà các chuyên gia bạn hết sức khen ngợi. Đúng 6 giờ sáng hôm đó, tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đều có mặt quanh linh cữu Bác. Giữa không khí trang nghiêm, bổng có một tiếng khóc nức nở òa lên, đó là tiếng khóc không thể kiềm nén được của  Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vừa khóc, Thủ tướng vừa bắt tay cảm ơn các đồng chí chuyên gia. Sự cảm động lan truyền trong mỗi trái tim không ai kiềm nén nước mắt mình. Đồng chí Lê Duẩn cố nén xúc động đến bắt tay những người trực tiếp làm việc ngày đêm để “giữ yên giấc ngũ của Bác” và khẽ hỏi “Các đồng chí có yêu cầu gì không”? Một đề nghị thật đơn giản nhưng vô cùng lớn lao đối với mỗi người là được chụp ảnh chung bên thi hài Bác. Và yêu cầu đó trở thành phần thưởng thiêng liêng đối với mỗi người. Hà Nội những ngày đau thương mưa tầm tã, dòng người trong nước mưa, nước mắt kéo dài vô tận bên lĩnh cữu Bác.

              Tiến sỹ Huỳnh Nghĩa con trai đầu của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, quê ở Hội An, tỉnh Quảng Nam – một trong những người được đưa đi đào tạo ở Liên Xô để về tham gia xây dựng công trình Lăng Bác cho biết, Bác mất trong giai đoạn  Thủ đô Hà Nội là một trong những mục tiêu đánh phá của các loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn thi hài Bác, Trung ương quyết định di chuyển thi hài Bác đến nơi tuyệt đối an toàn. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhớ những lần Bác đến thăm một đơn vị bộ đội đóng quân ở vùng núi Ba Vì, đọc đường Bác nghỉ ăn cơm trưa trên một quả đồi bên một dòng sông, có cảnh quan thơ mộng. Bác quyết định chọn nơi đó làm khu căn cứ của Trung ương. Lần đó, Bác hướng dẫn nơi làm hầm, làm nhà, và tự tay Bác đo đạt, cắm cọc, nhắm hướng. Những năm sau này Bác và các đồng chí Bộ Chính trị đến làm việc nơi này. Và như vậy công trình mang tên K9 ra đời để đón Bác về xuất phát từ ý tưởng này.

             Do điều kiện lịch sử, Bác về yên nghỉ nơi đây nhưng phải tuyệt đối bí mật. Nhân dân và ngay cả các cán bộ ở địa phương vẫn không được vinh dự lớn lao được biết, địa phương mình thay mặt cả nước đón Bác về yên nghỉ trong nhiều năm tháng đất nước bước vào trận đánh lịch sử đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. 50 Bác đi xa, cùng với những lời dặn dò trong bản Di chúc Bác để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân là những câu chuyện cảm động về một con người suốt đời vì nước vì dân.                                                                                 V.V.T

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU