Trang chủPhóng sựMưu sinh mùa biển động

    Mưu sinh mùa biển động

    Nhờ kinh nghiệm sản xuất cũng như tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau, ngư dân trên địa bàn tỉnh tranh thủ đánh bắt hải sản mùa biển động với các chuyến biển hiệu quả.
    Ngư dân trên địa bàn tỉnh tất bật mưu sinh mùa biển động. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
    Ngư dân trên địa bàn tỉnh tất bật mưu sinh mùa biển động. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

    Sản xuất ven bờ

    Mùa biển động, trong khi nhiều tàu lớn “ngủ đông” thì các phương tiện nhỏ vẫn sản xuất ven bờ, chuyến biển chủ yếu diễn ra từ chiều tối đến sáng hôm sau thì ngư dân cập bờ bán hải sản. Ngư dân Nguyễn Văn Hùng (thôn Trung Phường, xã Duy Hải, Duy Xuyên) cho biết, tranh thủ lúc trời yên biển lặng, đi khai thác hải sản bằng nghề lưới ghẹ. “Mùa này ghẹ nhiều, chúng thường rất ham ăn nên có thể đánh bắt cả ban ngày lẫn ban đêm, thu được ghẹ nhiều nhất là lúc rạng sáng. Với mỗi chuyến đánh bắt, chúng tôi trang bị 2 – 3 vàn lưới, mỗi vàn lưới được kéo lên sau khoảng 2 – 3 tiếng thả lưới. Có nhiều chuyến biển sau một đêm thu được vài tạ ghẹ” – anh Hùng nói.

    Ghẹ có nhiều chủng loại, là đặc sản nên giá trị kinh tế cao. Cũng ở xã Duy Hải, nhiều nhà hàng đã trực tiếp thu mua ghẹ, ghẹ loại 1 có giá hơn 250 nghìn đồng/kg, loại 2: khoảng 200 nghìn đồng/kg, loại 3: 150 nghìn đồng/kg. Anh Hùng cho biết, nghề lưới ghẹ diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch nên tranh thủ sản xuất. “Biển êm là đi đánh bắt hải sản. Cuộc mưu sinh diễn ra quanh năm không nghỉ, hết nghề lưới ghẹ chúng tôi theo nghề lờ mực, lưới cá trích” – anh Hùng nói.

    Những ngày này, ngư dân xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) sôi động đánh bắt cá đối ven biển. Anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Hòa Hạ cho biết, cá đối có 2 loại là cá đối thông thường và cá đối cồi loại lớn, chúng là loài hải sản nước lợ, có thể sống ở vùng cửa sông và cửa biển. “Hễ biển động là cá đối, cá đối cồi hoạt động mạnh ở vùng cửa biển. Chúng tôi đánh bắt từ đêm đến sáng bằng 2 loại lưới là lưới vây và lưới kéo. Nghề này không cần thuyền hay thúng, chúng tôi thả lưới trôi để vây bắt hoặc giàn lưới thành hàng rồi kéo cá. Có chuyến thu được vài tạ cá đối, cá đối cồi, bán được vài triệu đồng” – anh Hải nói.

    Cũng ở xã Tam Thanh, nhiều ngư dân cho biết, mùa này ra biển chủ yếu đánh bắt các loại cá gần bờ. “Từ đầu vụ cá bắc (tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau) đến nay, hễ trời êm là chúng tôi tranh thủ ra biển đánh bắt cá. Chuyến khá thu được vài ba trăm nghìn, có chuyến thu hơn 1 triệu đồng. Việc đầu tư sản xuất không cần nhiều vốn, mỗi vàn lưới khoảng 5 – 6 triệu đồng, còn thúng hay thuyền nhỏ gắn máy chừng 3 – 5 triệu” – ngư dân Trương Văn Ngợi (thôn Hòa Thương, xã Tam Thanh) nói.

    Nương tựa vào nhau

    Ông Võ Tấn Thành – cán bộ phụ trách Phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, trung bình mỗi năm, nghề khai thác hải sản ven bờ của ngư dân trên địa bàn tỉnh đóng góp 16 nghìn tấn hải sản. Ngư dân sản xuất ven bờ thông thường là những người lớn tuổi lại khó huy động vốn liếng nên khó đầu tư để chuyển sang các nghề cá sản xuất xa bờ hoặc lên bờ làm nghề khác. Nguồn lợi hải sản ven bờ ngày một cạn kiệt dần nên sẽ đến lúc nào đó nghề cá nhỏ gặp khó, sinh kế của ngư dân khó ổn định.

    Theo ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, hiện toàn xã có 200 phương tiện khai thác hải sản, trong đó, số thuyền, thúng sản xuất ven bờ là 132 chiếc. “Các nghề sản xuất ven bờ không đem lại thu nhập cao cho ngư dân nhưng cũng giúp gia đình họ có nguồn sinh kế khá ổn. Chỉ cần siêng năng, có kinh nghiệm là ngư dân có thể sinh sống ổn định bằng nghề đánh bắt hải sản ven bờ” – ông Bình nói.

    Theo ông Bình, mùa biển động thời tiết thất thường nên luôn khuyến cáo ngư dân trước khi ra khơi phải theo dõi, nắm rõ dự báo thời tiết, tránh đi biển lúc sóng to, gió lớn. “Ngư dân trên địa bàn có truyền thống nương tựa vào nhau mỗi lúc đi biển. Bởi vậy, mỗi khi phương tiện này gặp khó thì ngư dân ở phương tiện khác đến ứng cứu. Nhờ đó mà tai nạn trên biển ít xảy đến với ngư dân” – ông Bình nói.

    Theo ông Trần Văn Siêm – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải, hiện tại trên địa bàn có hơn 100 phương tiện sản xuất bằng các nghề ven bờ. Mưu sinh mùa biển động, ngư dân rất chủ động đề phòng tai nạn trên biển. “Ngư dân luôn giữ gìn mối quan hệ gắn bó cộng đồng. Hễ đi biển thì họ gọi nhau để cùng san sẻ công việc. Nhiều khi sóng gió khá lớn, các ngư dân dùng dây thừng buộc chặt các thuyền vào nhau để tương trợ khi cần thiết” – ông Siêm nói.

    Vào mùa biển động, hải sản rất được giá, nhất là ghẹ, cá hố, cá sòng, cá ngân nên ngư dân thường có nguồn thu khá, hiếm khi lỗ tổn. “Ngư dân trên địa bàn rất có kinh nghiệm sản xuất. Kỹ thuật thả lưới, kéo lưới cũng hết sức cơ bản. Ngư dân biết dự đoán thời tiết, con nước, hướng gió để thực hiện mỗi mẻ lưới hiệu quả” – ông Siêm nói.

    Nguồn: baoquangnam.vn

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU