Trang chủPhóng sựLao đao bởi dịch tả heo châu Phi

    Lao đao bởi dịch tả heo châu Phi

    Trước tình hình dịch tả heo châu Phi (DTHCP) bùng phát ở Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, người chăn nuôi heo nhiều nơi trên địa bàn Quảng Nam đứng ngồi không yên do heo thịt rớt giá, đầu ra bị ngưng trệ.
    Nhiều hộ chăn nuôi gia trại ở Điện Hồng (Điện Bàn) đã chủ động bán tháo đàn heo trước thông tin dịch tả heo châu Phi lây lan. Ảnh: NHAN PHƯƠNG
    Nhiều hộ chăn nuôi gia trại ở Điện Hồng (Điện Bàn) đã chủ động bán tháo đàn heo trước thông tin dịch tả heo châu Phi lây lan. Ảnh: NHAN PHƯƠNG

    Người nuôi bán tháo đàn heo

    Trước thông tin DTHCP lan rộng tại một số địa phương trong tỉnh, nhiều người chăn nuôi đã bán tháo đàn heo với giá rẻ. Vì nếu tiếp tục nuôi thì nguy cơ bị dịch uy hiếp, chi phí thức ăn, đầu tư cho đàn heo tăng cao, trong khi giá heo hơi, giá thịt đang rớt thê thảm. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, chủ trang trại nuôi heo ở thôn Trang Điền – Gia Nam, xã Đại Cường (Đại Lộc) cho biết, từ đầu năm tới nay, thấy tình hình giá cả thị trường có phần ổn định, người chăn nuôi gia trại như ông đã nhân đàn để có thu nhập. Tuy nhiên, kể từ khi có thông tin DTHCP bùng phát ở Duy Xuyên rồi Thăng Bình, Điện Bàn, giá heo rớt, lượng heo thịt bán ở các chợ giảm nghiêm trọng. Nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi gia trại tìm cách bán tháo đàn heo đã tới tuổi xuất chuồng nhưng không thấy thương lái tới mua. “Chuồng của tôi chỉ còn 20 con nhưng không ai mua nữa. Nghe có dịch, tôi đã bán tháo 280 con với giá chỉ 33.000 đồng/kg” – ông Trọng nói.

    Phần lớn gia trại, trang trại lớn nhỏ, kể cả người chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Đại Lộc, Điện Bàn điêu đứng trước nạn dịch. Ông Nguyễn Thực, ở thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng (Điện Bàn) nói: “Lo sợ giá tiếp tục rớt, tôi đã bán đàn heo cả 100 con với giá 30.000 đồng/kg hơi, dù lỗ vốn nặng nhưng bởi lo sợ không chống chọi nổi nên phải bán”. Ông Nguyễn Bán (cùng trú thôn Lạc Thành Nam) cũng đã bán 60 con heo, chỉ giữ 10 con nuôi may rủi. Ông bảo, bán đàn heo này gia đình lỗ tầm 40 triệu đồng.

    Cần siết chặt kiểm soát

    Ông Võ Ngọc Sơn (thôn Đông Gia, xã Đại Minh, Đại Lộc) cho biết, trang trại của ông hiện có 4.000 con heo thịt, 1.000 heo con, 600 heo nái, nhưng trước ảnh hưởng của DTHCP, tâm lý người tiêu dùng e ngại nên việc tiêu thụ heo thịt trên địa bàn Đại Lộc, Quảng Nam và các tỉnh thành khác đang bế tắc. “Hơn 10 ngày nay, đàn heo của cơ sở tôi không bán được, dù đã đến ngày xuất đi. Cứ giữ đàn lại một ngày thì người chăn nuôi lỗ thêm. Thị trường quá xáo trộn, tác động nặng lên người chăn nuôi và các cơ sở chăn nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh. Mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc “giải vây” cho người chăn nuôi, cần kiểm soát tốt heo trôi nổi, heo bệnh để người tiêu dùng bớt lo lắng” – ông Sơn kiến nghị. Cũng theo ông Sơn, cơ sở chăn nuôi lớn của ông đang đối diện với 3 vấn đề chính: nguy cơ dịch đe dọa, số heo bán ra không được, chi phí nhân công cho 40 lao động mỗi ngày. Áp lực bủa vây, ông phải trấn an cho người lao động tiếp tục làm việc giữa lúc khó khăn.

    Ông Lê Ngọc Ba – Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết, Điện Hồng có tổng đàn 6.000 con heo, ảnh hưởng của dịch tả heo bùng phát khiến tổng đàn giảm mạnh còn 2.000 con. Tại xã chưa có hộ chăn nuôi với quy mô lớn, chủ yếu nhỏ lẻ. Về công tác phòng chống dịch, xã cũng thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, thông tin cho các trưởng thôn trong xã, huy động lực lượng của Trạm Y tế xã, Công an xã (29 người) tham gia công tác tuyên truyền, phòng chống dịch. “Để phòng tránh dịch lây lan, xã đã cử 10 người tiêu hủy xác vật nuôi bị nhiễm dịch, nếu phát hiện có dịch tại thôn nào, phải chôn cất ở thôn đó, không mang xác vật nuôi nhiễm bệnh đi nơi khác tiêu hủy” – ông Ba nói. Ông Nguyễn Văn Phú – Đội trưởng Đội thú y xã Điện Hồng cho biết: toàn xã có 352 hộ nuôi heo, đội thú y xã đã triển khai tiêm phòng cho 12 hộ nuôi heo trên địa bàn xã trong đợt dịch tả và tiếp tục nâng tỷ lệ tiêm phòng cho tổng đàn trong dịch. Song, vắc xin chủ yếu là phòng các bệnh: tụ huyết trùng, phó thương hàn, lở mồm long móng…

    Nguồn: baoquangnam.vn

     

     

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU