Trang chủPhóng sựKÝ ỨC NGÀY GIẢI PHÓNG (Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam 24.3.1975- 24.3.2020)

    KÝ ỨC NGÀY GIẢI PHÓNG (Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam 24.3.1975- 24.3.2020)

    45 năm trôi qua nhưng ký ức oai hùng vẫn in sâu trong tâm khảm các cựu binh từng tham gia giải phóng Tam Kỳ. Tôi nhớ mãi, trong những lần gặp gỡ cán bộ chiến sỹ Tam Kỳ thời chống Mỹ, Anh hùng LLVTND Trần Chí Thành, nguyên Bí thư huyện ủy Tam Kỳ trước 1975, Trưởng Ban liên lạc cán bộ chiến sỹ Tam Kỳ thời kháng chiến chống Mỹ xúc động nói, ai đã từng gắn bới với mảnh đất này qua những năm tháng đau thương, ác liệt, mới cảm thấu hết niềm vui, sự xúc động đến trào dâng nước mắt ngày ta tiến quân về giải phóng.

    Quân giải phóng tiến vào giải phóng Tam Kỳ ngày 24-3-1975

    Ông Thành phân tích, nói thị xã Tam Kỳ nhưng đây là thủ phủ của tỉnh Quảng Tín (dưới chính quyền ngụy quân Sài Gòn) nên tại đây quân đội ngụy quyền tổ chức nhiều cụm điểm khá kiên cố, trong đó có hai điểm chốt quan trọng là sân bay Kỳ Bích và ngã ba Trường Xuân, nhằm ngăn chặn hướng tiến công của Quân giải phóng từ hướng Tây xuống. Đó là chưa nói các hướng khác đều có có sự canh phòng cẩn mật, trong đó vùng đông phải kể đến là trận địa pháo ở Núi Cấm. Bởi vậy để đánh vào tỉnh đường Quảng Tín ta có sự chuẩn bị từ các hướng…và hơn thế nữa là tinh thần quyết chiến đấu hy sinh để giải phóng quê hương.

    Anh hùng LLVTND Lê Hải Lý, nguyên tỉnh đội trưởng Quảng Nam, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Nam cách đây hơn bốn mươi năm về trước lại nhớ đến một chi tiết khá ấn tượng, đó là bức điện tối khẩn mà ông vẫn nhớ từng câu, từng chữ. Lúc đó là chiều 20.3.1975, đồng chí Chủ nhiệm Thông tin đến đưa một bức điện của đồng chí Văn, tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam. Bức điện được gửi từ Hà Nội vào với nội dung: “Điện tối khẩn cho đồng chí Lê Hải Lý – Tỉnh đội trưởng Quảng Nam chuẩn bị tấn công thần tốc, chỉ đồng chí và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biết. Ký tên Văn”.

    Cũng theo Anh hùng LLVTND Lê Hải Lý, trước khi giải phóng Tam Kỳ, thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về việc liên tục tiến công địch, bao vây chia cắt không cho địch rút lui co cụm. Vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 10.3.1975, cùng với tiếng súng khai hỏa ở Buôn Mê Thuột trên chiến trường Tây Nguyên, các lực lượng vũ trang và nhân dân Tiên Phước đã đồng loạt tập kích vào các cứ điểm, cơ quan đầu não của địch. Đến 16 giờ, cả 3 hướng tiến công của quân ta đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt Chi khu quận lỵ Tiên Phước, Chi khu quận lỵ Phước Lâm và cụm cứ điểm Suối Đá. Ta đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã toàn bộ bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, thu toàn bộ vũ khí trang bị, giải phóng một khu vực rộng lớn với 21 ngàn dân.

    Ngày 24.3, quân ta đồng loạt đánh vào thị xã Tam Kỳ, thủ phủ là tỉnh đường Quảng Tín, từ các hướng theo vòng vây siết chặt. Từ Tiên Phước đánh về ta diệt gọn Trung đoàn 4 – Sư đoàn 2 ngụy làm chủ khu vực ngã 3 Trường Xuân – sân bay Kỳ Bích. Hướng phía Tây ta đánh chiếm Cẩm Khê, Cốc Rạng; Liên đoàn 12 biệt động ngụy bị tiêu diệt, số còn lại tháo chạy về Quán Rường… Tuyến phòng ngự lâm thời phía tây Tam Kỳ của địch bị phá vỡ. Thừa thắng, quân ta từ các hướng có sự dẫn đường của các đội viên công tác thị xã đã đưa xe tăng dẫn đầu ồ ạt tấn công vào thị xã.

    Còn với cánh đông, ông Lê Đức Dũng, nguyên Phó Bí huyện ủy Tam Kỳ giai đoạn 1971-1975, nhớ lại, khoảng trung tuần tháng 3.1975, ông được Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Thắng giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng của tỉnh đánh địch giải phóng vùng đông sớm hơn một bước, tạo bàn đạp và chặn đường rút lui của địch khi ta giải phóng Tam Kỳ. Sau khi thực hiện giải phóng hàng loạt các xã vùng đông, quân ta tiến về đánh các cứ điểm quan trọng, dọn đường để sẵn sàng đợi lệnh đánh vào tỉnh đường Quảng Tín. Vòng ngoài tỉnh đường Quảng Tín có 3 điểm quan trọng được xác định là: Trận địa pháo núi Cấm, cầu Kỳ Phú và đồn biệt lập Kỳ Trung. Đúng 12 giờ đêm 21.3 ta nổ súng tấn công diệt ngay trung đội dân vệ Châu Thành bảo vệ rồi dùng 500kg thuốc nổ đánh sập một góc cầu Kỳ Phú. Đòn đánh bất ngờ làm rung động cả một vùng, địch tháo chạy không còn một mống.

    Sau này khai thác từ tù binh và tên lái xe của tỉnh trưởng ngụy quyền Đào Bội Xuân ta mới biết, đòn đánh cầu Kỳ Phú đã nhằm đúng 3 tên đầu sỏ cùng lực lượng chỉ huy của chúng. Do sợ quân giải phóng tập kích vào ban đêm ở tỉnh đường Quảng Tín nên đêm 21.3 tên Đào Bội Xuân cùng với thiếu tá Đen- Chi khu trưởng Tam Kỳ và cả tên thiếu tướng Nhật – Sư đoàn 2 ngụy (từ Quảng Ngãi ra chi viện khi ta giải phóng Tiên Phước ), đã dùng hai xe tăng chở bọn chỉ huy tháo chạy ra biển rồi lấy ca nô chuồn về Lý Sơn. Đào Bội Xuân và thiếu tá Đen chạy về tỉnh đường Quảng Tín rồi khăn gói ra Đà Nẵng. Đến 11 giờ trưa 22.3.1975 ta giải phóng hoàn toàn vùng đông.

    Tiếp đó, đêm 23.3, lực lượng của ta ở các xã vùng đông phối hợp các đơn vị của tỉnh đánh sập hoàn toàn cầu Kỳ Phú và đánh chiếm Núi Cấm. Các Tiểu đoàn 70, 72 của tỉnh tiến công dọc theo ven biển, phát triển vào đến Cửa Lở, sau đó, vượt cầu Kỳ Phú đánh chiếm ngã 3 Duy Tân, phát triển ra ngã 3 Nam Ngãi, hỗ trợ cùng bộ đội chủ lực các mũi tiến công của Trung đoàn Ba Gia và Trung đoàn 31, sư 2 theo 3 hướng giáp công tiến đánh khu đầu não tỉnh lỵ Quảng Tín.

    Đúng 10 giờ 30 phút ngày 24.3.1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam đã phất phới tung bay trên nóc toà tỉnh đường Quảng Tín, tỉnh lỵ đồng bằng duyên hải miền Trung đầu tiên được giải phóng, tạo thế và lực cho dân và quân ta tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng (29.3.1975), góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

    Võ Văn Trường

     

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU