Trang chủPhóng sựKhởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi tổng hợp

    Khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi tổng hợp

    Sau thời gian triển khai mô hình chăn nuôi gà tận tỉnh Bình Phước, đầu năm 2018, anh Phạm Thế Sa trở về quê nhà (thôn Long Bình, xã Tam Nghĩa, Núi Thành) khởi nghiệp bằng cách nuôi những “sinh vật lạ” và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao…
    Hộc nuôi dế của anh Sa. Ảnh: VĂN PHIN
    Hộc nuôi dế của anh Sa. Ảnh: VĂN PHIN

    Qua học hỏi, chia sẻ trên internet, anh Sa nhận thấy loài dế dễ nuôi, vốn đầu tư ít, lại dễ tiêu thụ, bắt đầu từ tháng 4.2018, anh xây hộc xi măng trong khu vườn nhà (tại thôn Long Bình) và đặt mua ở Đà Nẵng 2 dĩa trứng dế về nuôi; mỗi dĩa trứng cho nở khoảng 1.000 dế con, mua với giá 100 nghìn đồng/dĩa. Đem trứng dế về, anh Sa đặt vào hộc xi măng chăm sóc một thời gian ngắn là nở ra dế con. Anh chia sẻ: “Khi dế mới nở, tôi cho nó ăn bột cám (loại dùng để nuôi gà con), khi dế lớn thì thức ăn rất dễ kiếm và rẻ tiền, tôi cho nó ăn chủ yếu là lá khoai mỳ, cám gạo, bắp chuối, rau muống…

    Và chỉ sau 45 ngày, kể từ khi trứng nở là có thể xuất bán cho khách hàng…”. Từ 2 dĩa trứng dế ban đầu nuôi vào tháng 4.2018, đến thời điểm này, anh Sa đã nhân giống được 20 dĩa trứng với 20 nghìn con dế ở 16 hộc xi măng trong vườn nhà. Sản phẩm dế được nuôi từ cơ sở anh Sa bán rất chạy và được giá. Với giá bán 150 nghìn đồng/kg dế thành phẩm, từ khi nuôi dế đến nay, anh đã thu lãi hơn 20 triệu đồng. Thu nhập tuy khiêm tốn nhưng đây là phương pháp lấy ngắn nuôi dài. Cùng với nuôi dế, anh Sa còn nuôi trùn trên diện tích 400m2 và nuôi 1.000 con nhông trong vườn nhà mình. Đặc biệt, anh còn nghiên cứu nuôi thành công giống ruồi đen để làm thức ăn cho động vật nuôi như gà, vịt… và lấy chất thải làm phân bón cho cây trồng.

    Với khu vườn rộng 2.000m2 toàn là cát trắng ở thôn Long Bình, anh Sa nêu quyết tâm xây dựng một mô hình chăn nuôi tổng hợp, hoàn chỉnh và đem lại thu nhập ổn định ở mức khá. Anh tâm sự: “Tôi không có nhiều vốn nên thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài; nuôi trùn, ruồi để lấy thức ăn cho gà, vịt; nuôi dế để có thu nhập trang trải hàng ngày, rồi tập trung vào nuôi gà vịt và một số gia súc gia cầm khác để có thu nhập lâu dài”. Trong khu vườn rộng của mình, anh Sa phân chia thành nhiều khu vực riêng biệt một cách hợp lý để chăn nuôi các loại động vật khác nhau. Theo ước tính, hằng năm mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Sa đạt tổng doanh thu khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 70 đến 80 triệu đồng.

    Ông Châu Ngọc Khúc – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Nghĩa đánh giá, đây là mô hình chăn nuôi mới lạ của một thanh niên trẻ tại địa phương. Hội Nông dân xã rất quan tâm và tạo điều kiện để mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Sa phát triển, đồng thời có kế hoạch khuyến khích nhân rộng ra trên địa bàn. Anh Sa bày tỏ: “Tôi luôn học hỏi, tìm tòi để bổ sung kiến thức của mình trong việc phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp hiện tại và tâm niệm là phải chí thú làm ăn, siêng năng với công việc mình làm. Sắp đến, tôi tiếp tục nghiên cứu mở rộng đối tượng nuôi để phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp và rất mong được Nhà nước, các đoàn thể, tổ chức xã hội quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn và các điều kiện khác để tiếp tục phát triển mô hình kinh tế ngay trên quê hương mình”.

    (Nguồn: baoquangnam.vn)

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU