Trang chủChưa được phân loạiHội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về Cách mạng công nghiệp 4.0

    Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về Cách mạng công nghiệp 4.0

    Sáng 3/1, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 52 ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị “ Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Tham dự hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát. Tại điểm cầu Quảng Nam có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tham dự.

    Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam.

    Hội nghị đã được nghe Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát trình bày một số nội dung cơ bản của Nghị quyết số 52 ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN mà nòng cốt là công nghệ số; làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia CMCN 4.0. Tuy nhiên, mức độ chủ động tham gia của nước ta còn thấp; thể chế chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập; xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức trung bình. Nghị quyết 52 ra đời rất đúng lúc, thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh, khát vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc chủ động, tích cực tham gia CMCN lần thứ tư. Coi việc chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN lần thứ tư là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Nghị quyết đã xác định yêu cầu phát huy tối đa các nguồn lực cho việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài. Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến 2045, trong đó mục tiêu tổng quát mang tính chiến lược và toàn diện. Bộ Chính trị yêu cầu nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN 4.0, từ đó có quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển KT-XH.

    Long Phi

     

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU