Trang chủChính TrịHội nghị trực tuyến của Chính phủ về hoàn thiện và thi hành pháp luật

    Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về hoàn thiện và thi hành pháp luật

    Sáng 24/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật để đánh giá tình hình trong 5 năm qua và đưa ra biện pháp nâng cao chất lượng công tác này thời gian tới. Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến với 1 điểm cầu ở trụ sở Chính phủ và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cùng đại diện các sở, ngành liên quan tham dự.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, Hà Nội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

    Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 5 năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 71 luật, 2 pháp lệnh. Chính phủ ban hành 745 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch; ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản. Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên rõ rệt; hoạt động giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước được tăng cường; qua đó góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo xây dựng nhà nước, tôn trọng, bảo vệ quyền con người; chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập. Hệ thống luật chưa thật sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản; một số nội dung còn có sự chống chéo, mâu thuẫn.

    Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam.

    Hội nghị cũng thảo luận một số vấn đề như: Công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật; công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ.

    Dương Oanh-Đại Quang

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU