Trang chủGóc nghề nghiệpChuyện nghềVương vấn những tấm lòng Người Quảng xa quê

    Vương vấn những tấm lòng Người Quảng xa quê

    Chuyên mục Hương sắc quê nhà trên Báo Quảng Nam hay những xêrry phim tài liệu về Người Quảng xa quê trên sóng truyền hình tỉnh nhà âu cũng là cố gắng chung của những anh em làm báo đất Quảng, xin được làm cầu nối giữa quê hương với những con xa xứ và hy vọng qua đây sẽ góp phần thắp sáng hơn lên những tấm lòng hướng về quê hương nguồn cội…

     

    Tôi đã đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần bài thơ: “Về thôi em” của tác giả Dương Quang Anh, in trong tuyển tập thơ Quảng Nam Chưa mưa đà thấm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 1998 và đang sống ngay trên quê nhà mà lần nào cũng có cái cảm giác nao nao. Bài thơ là một trong số tác phẩm được chọn đưa vào chương trình Ngữ văn địa phương cấp THCS ở tỉnh Quảng Nam và được ví như là tiếng lòng người Quảng xa quê:

    “Em ra không, mai anh về đất Quảng.
    Trời miền Nam giáp tết quá nôn nao.
    Thèm chi mô một chén rượu hồng đào,
    Dẫu chưa uống – chỉ say từ câu hát”.

    Bài thơ Về thôi em không chỉ là tấm lòng nhớ quê da diết của những người xa quê mà còn làm rung động trái tim bao người. Theo đó, những người làm truyền hình Quảng Nam cũng đau đáu một ước nguyện là sẽ có một dịp và nhiều dịp nào đó được thực hiện những thước phim tài liệu về Người Quảng xa quê ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước, âu cũng là dịp sẽ gặp được nhiều bà con, anh em là người đồng hương xứ Quảng.

    Báo Quảng Nam, từ nhiều năm nay vẫn duy trì mục: “Hương sắc quê nhà” và qua đó nhiều nhà báo, nhiều cây bút là cộng tác viên xa quê thường xuyên gửi bài vở cộng tác. Hương sắc quê nhà như là một nơi để gửi gắm, thổ lộ tình cảm với quế hương bản quán của những người xa xứ. Qua câu chuyện nhiều bạn đọc Báo Quảng Nam, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh đã rất cảm kích trước những cố gắng của Lãnh đạo Báo trong việc duy trì, phát triển chuyên mục này trên Báo.

    Tháng 12 năm 2010, trong một dịp tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010 tại Thành phố Cần Thơ, Đài Phát thanh – Truyền hình (PT – TH) Quảng Nam cử một nhóm biên tập, quay phim tham dự Liên hoan. Ý tưởng tranh thủ thời gian Liên hoan để thực hiện một phim tài liệu truyền hình về Người Quảng xa quê tại Thành phố Cần Thơ được anh em trong nhóm háo hức thực hiện. Giữa miền Tây sông nước, miên man trên dòng sông Hậu mà ngồi nghe nói giọng Quảng “đặt sệt”, sướng thật. Thế là trong dịp giao thừa Tết Tân Mão 2011 phim tài liệu Người Quảng ở Cần Thơ được phát trên sóng truyền hình Quảng Nam. Nhiều cuộc điện thoại của bà con từ Duy Xuyên, Đại Lộc, Đà Nẵng về nhóm làm phim hỏi thêm về người người thân của họ ở Cần Thơ. Chuẩn bị bước sang một năm mới, những người làm truyền hình Quảng Nam cảm thấy hạnh phúc vô bờ vì được làm người kết nối tình cảm giữa người miền Tây xa xôi với người miền Trung quê nhà. Tết Tân Mão, nhóm làm phim Người Quảng ở Cần Thơ ai nấy đều vui thật và những người anh em đồng hương ở Cần Thơ cũng đã cảm nhận sự ấm cúng từ quê nhà qua trang điện từ tại địa chỉ : www.qrt.com.vn . Phim phát sóng, cả nhóm làm phim chúng tôi ai nấy dường như đều có cảm giác như vấn vương một điều gì. Cái cảm giác tình quê hương dâng trào không chỉ đến với người xa quê mà cả với chúng tôi cũng như ấm lòng, như thấy quê hương và cộng đồng bà con đồng hương xa xứ nơi đất khách quê người gần nhau hơn.

    Thế là, sau phim tài liệu Người Quảng ở Cần Thơ, các nhóm làm phim của Đài PT – TH Quảng Nam tiếp tục thực hiện được một số phim về Người Quảng ở Ninh Thuận, Nghệ An, tỉnh Xê Kông (Lào).

    Ngay từ tháng 11 năm 2011, Ban Giám đốc Đài PT – TH Quảng Nam cũng đã có cuộc làm việc với các đồng chí trong Thường trực Hội đồng hương tại Thành phố Hồ Chí Minh và chúng tôi lại thực hiện được 2 tập phim tài liệu về Người Quảng Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà có lẽ có đông nhất cả nước người đồng hương Quảng Nam sinh sống, công tác, học tập.

    Luôn hướng về quê hương:
    Theo các đồng chí trong Thường trực Hội đồng hương tại Thành phố Hồ Chí Minh 3 việc lớn mà bà con đồng hương Quảng Nam làm được trong những năm qua là làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tham gia xóa đói giảm nghèo và công tác khuyến học.

    Những người con quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng dù đi đâu, ở đâu cũng luôn hướng về quê Cha, đất Tổ và nuôi dưỡng tình nghĩa sâu nặng với mảnh đất quê hương. Thực tế, trong nhiều năm qua, đồng bào Quảng Nam nơi quê nhà đã đón nhận rất nhiều từ sự đóng góp của bà con đồng hương Quảng Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là qua các đợt bão lũ, bảo trợ bệnh nhân nghèo, về phong trào khuyến học. Hội đồng hương cấp tỉnh và các huyện, thành phố, các xã, thị trấn nơi đây đã làm tốt cầu nối để kêu gọi tinh thần tương thân tương trợ, vận động chung tay đóng góp xây dựng quê hương.

    Ngoài tổ chức Hội đồng hương cấp tỉnh và cấp huyện, xã, thị trấn; nhiều tổ chức chuyên biệt mang tính đồng hương trực thuộc cũng đã đóng góp rất nhiều vào cho cộng đồng vì một mục đích chung như Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh các Trường Trung học của tỉnh nhà, Chi hội khuyến học Tộc Phan Bảo An, các Câu lạc bộ sinh viên và cựu sinh viên đất Quảng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ doanh nhân đất Quảng, Câu lạc thơ đất Quảng…

    Tuy chưa có một con số thống kê cụ thể, nhưng cộng đồng bà con đồng hương Quảng Nam đã vì lợi ích cộng đồng, thể hiện được trách nhiệm với quê hương xứ Quảng. Cấp ủy, chính quyền, và nhân dân các địa phương ở Quảng Nam đã rất trân trọng và biết ơn về nhưng đóng góp thầm lặng mà cao quí ấy.

    Chúng tôi, nhóm làm phim của Đài PT – TH Quảng Nam cũng đã có dịp làm việc với các bác, các anh trong Hội đồng hương huyện Duy Xuyên, một trong những tổ chức Hội cơ sở được đánh giá là có hoạt động khá tốt. Hội đã thực hiện tốt 2 nhiệm vụ nhất là hoạt động từ thiện xã hội và hỗ trợ khuyến học. Nhiều đồng hương người Duy Xuyên là chủ doanh nghiệp thành đạt có sự hỗ trợ tích cực cho quê nhà thông qua tổ chức Hội.

    Trong câu chuyện với các nhà doanh nghiệp và các bác, các anh trong Hội đồng hương của tỉnh chúng tôi cảm nhận ra một điều rằng không ít những doanh nghiệp, những doanh nhân và nhiều người đồng hương Quảng Nam khác nữa thành đạt nơi đất khách quê người bằng chính sự lao động miệt mài, năng động, sáng tạo và rồi bây giờ dù ở cương vị nào, thành đạt đến đâu họ đều luôn nghĩ, luôn trăn trở nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn bằng cái tâm thực sự.

    Không ít những văn nghệ sĩ người Quảng Nam danh tiếng một thời cũng nặng lòng với quê hương. Trong câu chuyện, ông Nguyễn Xuân Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ), một cộng tác viên tích cực của Báo Quảng Nam luôn tự hào vì mình là người Quảng. Người Quảng Nam bị mang tiếng là hay cãi, nhưng theo ông người hay cãi vì là người có am hiểu. Chính điều đó đã tạo nên tính cách người Quảng Nam, không chỉ kiên cường, dám đấu tranh mà còn rất ham học hỏi. Theo ông thì: “Bằng cách này, cách khác, dù nhỏ hay lớn thì mọi người Quảng Nam dù ở trong nước hay nước ngoài cũng đều hướng về quê hương bản quán, đó cũng ước mơ cháy bỏng của nhiều người. Thành phố Hồ Chí Minh với 2 mùa mưa nắng, có những buổi chiều mưa âm u, mà nhớ quê đến nao lòng…”. Trong một bài viết gửi về Quảng Nam, nhà thơ Sơn Thu tâm sự: “Đời còn nhiều tâm tình lay gọi, bao trăn trở tâm tư. Hoa quỳnh trắng trong vẫn thầm lặng nở về đêm, hướng dương bừng lên khoe sắc khi tỏa rạng ánh bình minh và tôi nguyện mãi mãi giữ hồn mình với cốt cách quê hương tình sâu, nghĩa nặng: Sau lưu lạc tôi trở về làng cũ/ Đi giữa quê hương vẫn nhớ nhà…”. Ông Hoàng Yên Xuân người quê Thị trấn Nam Phước Duy Xuyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ đất Quảng tại Thành phố Hồ Chí Minh thì mượn những vần thơ nói lên tâm trạng nhớ quê đau đáu của mình: “Tôi về đây giữa chốn quê/ Mênh mông nỗi nhớ tràn trề niềm thương/ Ngọt ngào hai tiếng quê hương/ Bao năm xa cách lòng vương vấn hoài”.

    Bữa cơm trưa vội vàng tại một quán nhỏ trên đường Lê Lợi, gần chợ Phú Nhuận giữa chúng tôi với các bác, các anh ở Hội đồng huơng Duy Xuyên, toàn là người Quảng Nam, dù có người đã xa quê mấy chục năm nhưng vẫn còn đó âm giọng Quảng, sao mà đậm đà, gần gủi, thân quen. Có gì hơn những lúc này…
    Tết đến, xuân về lại nhớ quê da diết…

    Ông Hoàng Yên Xuân, quê Nam Phước, Duy Xuyên tâm sự: “Mình nhớ nhất ở quê là những ngày áp tết. Nhà nào cũng bận rộn quanh nồi bánh tét, bánh chưng và con cháu lần lượt qui tụ về theo phong tục rất đầm ấm. Sáng mồng một đi thăm ông, bà. Nếu tết không về được, xa quê cũng thoáng buồn lắm”. Ông Trần Châu Khanh, nay là Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Nam thì tự hào khi về lại Quảng Nam và về quê hương Duy Xuyên trong dịp tết thường gắn với nhiều lễ hội. Với ông, ngày tết là dịp đi thắp hương các nghĩa trang, đi viếng các di tích lịch sử, đi thăm thú bạn bè, làng xóm.

    Ngày tết, khi đất trời chuyển sang xuân rộn ràng, những người Quảng xa quê ai nấy đều mang chung nỗi niềm nhớ quê. Về quê ấm cúng, cây hương ngọn đèn, đi thắp hương mồ mã ông bà, nhớ lại những kỷ niệm thời ấu thơ. Nói như nhà thơ Tường Linh, người quê Nông Sơn thì mỗi khi tết đến xuân về ông rất nhớ, nhớ người, nhớ cảnh, đặc biệt nhớ nhất là màu vàng của hoa cải và nhớ đến người mẹ già, người thân nơi quê nhà…

    Mỗi lần Xuân gợi hương xa xứ
    Nhớ mùa hoa cải ở quê tôi
    Có bóng mẹ già quen lận đận
    Mắt yếu, da nhăn, tóc bạc rồi
    Xuân này là mấy Xuân xa cách
    Nhớ mẹ chao ôi, nhớ lạ lùng
    Áo gì thay áo nâu tàn rách
    Và, vườn cải ấy có còn không…

    Chuyên mục Hương sắc quê nhà trên Báo Quảng Nam hay những xêrry phim tài liệu về Người Quảng xa quê trên sóng truyền hình tỉnh nhà âu cũng là cố gắng chung của những anh em làm báo đất Quảng, xin được làm cầu nối giữa quê hương với những con xa xứ và hy vọng qua đây sẽ góp phần thắp sáng hơn lên những tấm lòng hướng về quê hương nguồn cội.

    Tết đến xuân về, biết bao vương vấn với những ân tình quê hương xứ sở; vương vấn vì tấm lòng người xa quê, sao giữa cái nhộn nhịp, tấp nập của phố phường, biết bao bận rộn lo toan trong cuộc sống đời thường mà lòng lúc nào cũng luôn canh cánh nhớ hoài về quê cha đất mẹ; nhớ con sông Thu Bồn và nhớ mãi câu ca dao như thấm vào trong máu thịt mỗi người: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa uống đà say”…

    Mai Văn Tư

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU