Trang chủGóc nghề nghiệpChuyện nghềKỷ niệm thức cùng vùng lũ Duy Xuyên

    Kỷ niệm thức cùng vùng lũ Duy Xuyên

    Cơn bão số 9 và đợt lũ lụt lịch sử diễn ra hồi cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2009 cho đến bây giờ vẫn còn là nỗi ám ảnh trong tâm trí người dân đất Quảng. Đối với cánh phóng viên chúng tôi cũng có những ấn tượng khó quên.

     

    Hơn một ngày trước khi cơn bão ập tới, trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương vẫn loan báo tâm bão số 9 sẽ ập vào khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Phòng Thời sự chúng tôi nhận lệnh của Ban Giám đốc Đài cử phóng viên đi “đón” bão. Phòng phân công 4 nhóm chính, mỗi nhóm 2 phóng viên từ sáng sớm ngày 28-9 tỏa về bám tại các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên và Hội An. Nhóm về Duy Xuyên gồm tôi và anh Trung Hiếu. Do không có laptop tác nghiệp như hiện giờ, chúng tôi liên hệ với anh em Đài Truyền thanh Duy Xuyên đề nghị cho mượn máy vi tính tại chỗ và được “đóng quân” tại đó. Không chỉ đáp ứng như vậy, Đài Duy Xuyên còn tăng cường thêm một phóng viên nam và một nữ kỹ thuật viên cùng trực bão. Đơn vị còn chuẩn bị cả gạo, mì tôm, dầu chạy máy nổ dự phòng. Ngay sáng 28, chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Văn Khương – bấy giờ là Chủ tịch UBND huyện – cùng đến kiểm tra tại công trình hồ thủy lợi Vĩnh Trinh trên địa bàn xã Duy Trinh. Đây là công trình trọng điểm mà lãnh đạo tỉnh rất lo lắng vì nó có dung tích lớn và đang được xây dựng dở dang. Qua kiểm tra, các công trình đầu mối đảm bảo an toàn vượt lũ và trưa đó, chúng tôi có ngay phóng sự ngắn gởi về Đài tỉnh phản ảnh hồ Vĩnh Trinh sẵn sàng chủ động đón bão lũ. Gió bão cũng bắt đầu mạnh dần lên, kèm theo mưa lớn. Đầu buổi chiều, anh Khương lại đón chúng tôi vòng xuống vùng Đông. Đến xã Duy Thành, nước lũ đã bắt đầu tràn qua đường, gió bão mạnh làm nhiều cây cối lớn hai bên đường và một số đường dây điện hạ thế ngã đổ. Lực lượng xung kích địa phương đang ra sức dọn cây cối và giúp người dân đến nơi an toàn tránh bão. Hình ảnh này được truyền ngay về Đài tỉnh phát trong buổi tối. Trở về chúng tôi nhận thông tin, tâm bão sẽ ập vào vùng Nam Quảng Nam và Bắc Quảng Ngãi. Tuy vậy, tại Duy Xuyên, đêm 28 và sáng 29/9, gió mạnh và mưa vẫn như trút nước. Điện đã bị cắt trên toàn huyện. Đêm đó, nhóm chúng tôi ai cũng chập chờn lo bão.

    Sáng 29, mực nước bắt đầu dâng cao, băng qua đường ĐT 610. Hai bên cầu Chìm trước Đài Truyền thanh Duy Xuyên đã ngập. Gió bão gầm rú. Người dân chỉ còn một loại phương tiện duy nhất để theo dõi bão là chiếc rađiô. Chúng tôi chộp ngay hình ảnh này để làm phóng sự gởi về. Từ thời điểm đó, huyện thông báo không ai được đi lại. Chúng tôi chỉ lội bộ gần đó để ghi những hình ảnh về nước lũ dâng lên. Đến tối 29, nước ập vào nền Đài Truyền thanh Duy Xuyên. Khoảng 21 giờ, chúng tôi đã phải ngâm chân trong nước để viết tin bài và dựng hình ảnh chuyển về. 22 giờ nước lũ tiếp tục dâng lên dần ngập tới thành giường, bàn ghế trôi lềnh bềnh trong Đài. Đến hơn 3 giờ sáng ngày 30/9, mực nước dâng chậm dần, đến gần sáng thì đứng lại. Cái bàn tôi và anh em kê chồng trên 2 cái giường nước đã lút hơn nửa chân bàn. Nước bắt đầu rút từ từ và gian phòng với ngổn ngang bàn ghế và một số vật dụng lấm lem bùn đất. Sáng ra, chúng tôi và Tấn Châu, lúc đó còn là phóng viên Đài huyện thực hiện dẫn hiện trường cảnh nước ngập trong Đài Duy Xuyên để mở đầu cho phóng sự nước lũ lịch sử tại vùng quê tơ tằm này. Bổ sung vào hình ảnh đó là Châu và Hiếu mặc độc một quần sọt vác camera lội ra trước Đài để ghi hình. Mực nước ngay hiên Đài Duy Xuyên đã ngang ngực Hiếu.

    Sau đó, chúng tôi cùng Chủ tịch UBND huyện lên canô do cảnh sát giao thông huyện điều khiển để kiểm tra một số nơi trong huyện. Biển nước vẫn mênh mông toàn huyện. Tại thị trấn Nam Phước lúc ngập sâu nhất lên tới 1,5 m – 2 m. Mãi đến sáng 1/10, khi nước rút trên đường Quốc lộ 1A, tôi và Hiếu mới trở về lại Tam Kỳ và tiếp tục tỏa đi phản ảnh hậu quả bão lụt cũng như công việc khắc phục, cứu trợ.

    Dù thấm mệt qua những ngày đêm tác nghiệp trong bão lũ, nhưng chúng tôi vẫn vui vì đã hoàn thành được nhiệm vụ. Trong đó công lớn phải kể đến sự quan tâm hỗ trợ của anh, chị em Đài Truyền thanh Duy Xuyên. Qua lần này, tôi chỉ áy náy một điều, không hiểu sao, trụ sở Đài này lại được xây ngay ở chân cầu và bên bờ sông… rất dễ ngập khi có lũ lụt lớn như vậy.

    Việt Hảo

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU