Trang chủGóc nghề nghiệpChuyện nghềKinh nghiệm "nhớ đời" sau chuyến tác nghiệp!

    Kinh nghiệm “nhớ đời” sau chuyến tác nghiệp!

    Mỗi khi đi tác nghiệp ở vùng cao biên giới hay biển, đảo tôi thường phải “ba trong một”: viết, quay và… chụp ảnh.

    Khoát chiếc balô bên trong lỉnh kỉnh pin, đèn, máy ảnh, lương khô, mì tôm, gạo, vai đeo chiếc máy camera được gói ghém cẩn thận, trước ngực còn tòn ten cái chân máy, khòm lưng leo núi, tất cả gần ba mươi ký lô vượt trên những con đường độc đạo, một bên vách núi, một bên vực sâu thăm thẳm. Đó là hình ảnh quen thuộc của cánh phóng viên chuyên mục Vì chủ quyền an ninh biên giới và biển đảo, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, khi lên đường tác nghiệp.

    Đi đã khổ nhưng để đáp ứng được các khâu từ viết kịch bản đến quay phim, ghi chép, hoàn chỉnh lời bình và kiêm cả chụp ảnh đủ để phục vụ cho tất cả các loại báo hình, báo viết, báo nói như cấp trên yêu cầu thì thật vô cùng khổ. Do tác nghiệp kiểu “3 trong 1” nên tâm thế của những người làm báo không chuyên như tôi lúc nào cũng phải khẩn trương, máy móc luôn sẵn sàng, phân tích sự kiện trước khi đi tác nghiệp để còn kịp… bấm máy.

    Chính vì “đa năng” nên có lúc vấp phải sự cố. Tôi vẫn còn nhớ như in chuyến lên xã vùng cao La Êê của huyện Nam Giang để ghi hình gương “người tốt việc tốt” về Trung úy quân y Trương Văn Hoàng – người 4 lần cứu người thoát chết của Đồn Biên phòng 653. Được Trung úy Hoàng cắt rừng đưa lên tận thôn Đắc Ngol (cách đồn 653 hơn 10 cây số) để gặp chị Zơrâm Thị Nhàn, nạn nhân bị đuối nước được anh cứu sống. Cuộc gặp với gia đình và nhân chứng để ghi hình rất suông sẻ, cảm động. Tuy nhiên, về Đồn BP 653 kiểm tra lại thì hỡi ôi… bị lỗi thao tác nhầm giữa nút bấm pause (tạm dừng) và recod (ghi hình). Mệt nhưng vẫn phải băng rừng quay lại thôn Đắc Ngol. Lần này rút kinh nghiệm, cẩn thận nhìn vào kính ngắm, thấy nút recod đỏ lựng là yên tâm. Nhưng trớ trêu thay khi phỏng vấn xong phát hiện dây micro bị đứt đôi nham nhở, mà thủ phạm là… con khỉ của chủ nhà. Vậy là hì hục cắt, nối dây, dàn cảnh, khơi chuyện để khi phỏng vấn lại lần… 3 đảm bảo lời thoại của nhân chứng tự nhiên. Kết quả tác phẩm “Người con của làng” được giải Bạc trong Liên hoan PT – TH QRT lần thứ 2 năm 2010, giải Vàng của Liên hoan Truyền hình toàn lực lượng BĐBP. Trung úy Trương văn Hoàng được đi báo cáo điển hình ở tỉnh rồi ra tận Trung ương, được in trong tập sách kỷ yếu gương điển hình thi đua yêu nước của tỉnh Quảng Nam.

    Một dịp khác, trong năm 2005, theo chân đoàn truy quét nạn khai thác vàng trái phép ở khu bảo tồn thiên nhiên sông Tranh. Hơn một tuần bươn theo sự kiện, chui hầm, leo qua những con dốc dựng đứng và những cuộc rượt đuổi giữa rừng sâu, cả đoàn công tác trở về với 7 đối tượng chủ lán và hàng trăm phu vàng. Vượt qua con suối đang đục ngầu vì những trận mưa rừng như trút, đoàn người nối đuôi nhau dò giẫm phăng theo dây để sang bờ tập kết tại chân cầu Khe Vinh. Cẩn thận tách riêng pin, máy, băng phim vào các túi ni lông, bọc kỹ. Gần đến bờ bên kia của con suối, chưa kịp mừng vì máy móc không bị nhúng xuống nước thì “oạch” cả người sóng xoài đau điếng trên đám rêu đá. Máy, pin, ácqui và đèn bay tung tóe, may mắn chiếc camera Panasonic MD9500 nằm trong balô mang phía sau được anh em cùng đoàn đỡ vội nên không việc gì, thiệt hại lớn nhất là chiếc máy ảnh Nikon MF10 trị giá tiền triệu vào thời điểm đó đập vào tảng đá, ống kính vỡ ra từng đoạn. Dù có yêu nghề viết lách đến mấy thì lúc này trong lòng chỉ còn nặng một nỗi lo… giải trình với sếp. Âu đó cũng là một sự kiện đáng nhớ trong đời làm báo.

                                                                                                     Trần Quốc Vũ
                                                                                           Chuyên mục Vì chủ quyền an ninh biên giới và biển đảo

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU