Trang chủPhóng sựGiới trẻ "làm bạn" với nông nghiệp sạch

    Giới trẻ “làm bạn” với nông nghiệp sạch

    Nhiều người trẻ đến với nông nghiệp sạch với những lý do khác nhau. Bằng tất cả niềm đam mê của mình, họ làm nông nghiệp một cách tử tế và giàu kiến thức.
    Nhiều bạn trẻ đến với nông nghiệp sạch bằng niềm đam mê. Ảnh: N.TRANG
    Nhiều bạn trẻ đến với nông nghiệp sạch bằng niềm đam mê. Ảnh: N.TRANG

    An toàn vệ sinh thực phẩm trở thành vấn đề nóng và là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Đây chính là lý do khiến các bạn trẻ tìm hiểu về loại hình nông nghiệp sạch. Con đường tìm đến nông nghiệp sạch tưởng dễ mà khó. Không hẳn chỉ cần có cái cuốc, cái cày như ông bà xưa, mà cần có kiến thức và sự chuẩn bị kỹ càng để tiếp thu kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có hàng trăm mô hình nông nghiệp sạch, bao gồm trồng rau thủy canh, quả và gạo hữu cơ mà đa số do những người trẻ thực hiện. Thậm chí có người gác tấm bằng kỹ sư, cử nhân rẽ hướng về quê “làm bạn” với nông nghiệp.

    Anh Nguyễn Văn Nhân (trú xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) là một trong những người trẻ mạnh dạn đầu tư kinh phí để xây dựng mô hình nông nghiệp sạch cho riêng gia đình. Trước những thông tin về các loại rau, trái cây có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao, anh Nhân kỳ vọng biến 2.000m2đất của gia đình thành mô hình nông nghiệp sinh thái tự nhiên, trang trại nông lâm kết hợp với nhiều chủng loại rau quả. Từ rau cải, xà lách, rau dền, đậu, cà chua đến cây chuối, đu đủ, cam, chanh… Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên rau quả luôn xanh tốt, đảm bảo giá trị dinh dưỡng. Anh cho biết: “Tôi rất mê nông nghiệp sạch bởi mong muốn gia đình sẽ có nguồn cung cấp rau quả tin cậy, không chỉ mang đến sự an tâm trong sinh hoạt hằng ngày mà còn nâng cao sức khỏe!”.

    Đến xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, chúng tôi tham quan vườn rau thủy canh trong nhà kính của chị Nguyễn Thị Y. Hành trình theo đuổi đam mê nông nghiệp sạch của Y xuất phát từ vấn đề sức khỏe của bản thân, ao ước có một khu vườn rau quả sạch cải thiện sức khỏe đã thôi thúc cô gái trẻ ươm mầm những luống rau xanh an toàn. Cũng từ đây, Y đầu tư mở rộng vườn 1.200m2 kinh doanh, mang rau sạch đến với người tiêu dùng.

    Sáng tạo và tìm ra phương thức mới luôn cần thiết đối với những người trẻ làm nông nghiệp. Bằng cách “lắng nghe tiếng nói của rau quả”, các bạn trẻ đã làm thay đổi bức tranh nông nghiệp. Một số bạn còn lập ra các diễn đàn online nhằm trao đổi kinh nghiệm trồng rau quả. Bên cạnh đó, đề ra một số chương trình gặp mặt trực tiếp nhằm chia sẻ cũng như hoạch định giấc mơ cùng bước đi trên hành trình khám phá nông nghiệp sạch. An Farm Hội An (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) là điển hình cho hành trình theo đuổi nông nghiệp sạch của nhóm bạn Lê Phạm Thiên Hằng, Trần Văn Thời, Lê Tấn Huy. Ước mơ làm nông nghiệp sạch vì môi trường đã thôi thúc 3 bạn trẻ gắn kết xây dựng vùng đất 7.000m2 trồng nông sản sạch cung ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, nhóm bạn còn thiết kế các tour du lịch tham quan vườn rau, tập huấn kỹ năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất bổ ích.

    Rất nhiều bạn trẻ ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng thành lập nhóm và câu lạc bộ trao đổi kinh nghiệm làm nông nghiệp sạch, bên cạnh đó chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp. Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam là một điển hình. Một số bạn vạch ra con đường làm nông nghiệp sạch và tham gia câu lạc bộ để học hỏi cách làm, cách đầu tư hiệu quả và an toàn nhất. Bạn Bùi Thị Thanh Sương (trú phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) là chủ vườn rau nhiệt đới Kapi khi tuổi đời còn rất trẻ. Đam mê làm nông nghiệp hữu cơ và nắm bắt được xu hướng của người tiêu dùng, Sương đi khắp tỉnh thành học hỏi kỹ thuật làm nông nghiệp sạch. Từ đó, cô gái trẻ này đầu tư làm khu vườn rộng 2.000m2 khởi nghiệp, cũng tại vườn Kapi, rất nhiều thanh niên tìm đến học hỏi, giao lưu kỹ thuật trồng trọt, chọn giống. Sương chia sẻ: “Mình luôn mong muốn gắn bó với nông nghiệp sạch và phát triển có chiều sâu, lâu bền. Chính vì thế, bạn nào có mong muốn đi trên con đường này, mình luôn tạo mọi điều kiện giao lưu học hỏi”.

    Giới trẻ “làm bạn” với nông nghiệp sạch cho thấy một sự chuyển động đáng khích lệ, không chỉ là hướng đi mới để tìm kiếm giá trị kinh tế mà còn có sự thay đổi trong quan niệm về nghề nông và khát khao gắn bó lâu dài với đồng đất quê hương!

    Nguồn: baoquangnam.vn

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU