Trang chủVăn hóaDấu ấn điêu khắc Alăng Blêu

    Dấu ấn điêu khắc Alăng Blêu

    Đồng bào dân tộc Cơ Tu có nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ truyền thống với hình khối, đường nét riêng, sinh động và phóng khoáng. Ở thôn Gừng, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang có một người rất đam mê và gắn bó với nghề điêu khắc truyền thống, đó là Alăng Blêu – người được ví là “bàn tay vàng” điêu khắc Cơ Tu.

    Nghệ nhân Alăng Blêu giới thiệu phù điêu mặt thần Rapây. Ảnh: L.P.L.N
    Nghệ nhân Alăng Blêu giới thiệu phù điêu mặt thần Rapây. Ảnh: L.P.L.N

    Đam mê

    Alăng Blêu (sinh năm 1980) đến với nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống của đồng bào Cơ Tu khi còn rất trẻ. Từ ngày mày mò làm theo cha và những nghệ nhân điêu khắc trong làng, đến nay Alăng Blêu đã có hơn 15 năm gắn bó với nghề điêu khắc. Chính niềm đam mê cùng với việc ham học hỏi nên Alăng Blêu dần tích góp kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và trở thành nghệ nhân điêu khắc có tiếng trong vùng.

    Alăng Blêu thường dành thời gian đi dọc con suối Chker chảy quanh làng để thu nhặt gỗ lõi, gốc cây trôi nổi trên suối đem về phơi khô rồi tạo tác các bức tượng, phù điêu mà mình yêu thích. Thời mày mò “học lóm”, Alăng Blêu tạo những hình tượng nhỏ như mặt người, các con vật nuôi trong nhà là trâu, lợn, gà vịt… Ban đầu thì hình khối, đường nét còn thô mộc nhưng được sự khuyến khích động viên của các già làng, bà con dân bản và nỗ lực học hỏi rút kinh nghiệm của bản thân nên những tác phẩm về sau của Alăng Blêu càng cân đối, hài hòa giữa đường nét điêu khắc và sắc màu trang trí. Từ những tượng, bức phù điêu nhỏ, Alăng Blêu đã phát triển lên cụm tượng, phù điêu lớn có thể trưng bày ở ngoài trời.

    Sau 15 năm miệt mài làm nghề điêu khắc, đến nay Alăng Blêu đã tạo tác hàng trăm bức tượng, phù điêu lớn nhỏ. Tiêu biểu là bộ tượng “Làng Cơ Tu vào hội mừng lúa mới”, tượng 12 con giáp, phù điêu gương mặt người và đặc biệt là phù điêu mặt thần Rapây – thần giữ làng theo tín ngưỡng dân gian của đồng bào Cơ Tu. Bức phù điêu mặt thần Rapây của Alăng Blêu được trao giải khuyến khích tại hội thi “Tài hoa nghề mộc” TP.Hội An năm 2015. Nhiều bức phù điêu và tượng gỗ của anh bán với giá từ 4 – 8 triệu đồng/bức. Tiền bán tượng và phù điêu được Alăng Blêu đầu tư vào điêu khắc. Và anh cũng đang dành thời gian, công sức trao truyền cho những trẻ em trong làng về nghệ thuật điêu khắc của đồng bào mình. “Bộ tượng làng Cơ Tu vào hội của mình đã được Bảo tàng TP.Đà Nẵng, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam và Bảo tàng TP.Hội An đặt làm để trưng bày. Một phiên bản về bộ tượng này cũng được Phòng VH-TT huyện Đông Giang đặt làm để mang đi giới thiệu tại các lễ hội văn hóa trong và ngoài tỉnh. Mình rất mong được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với những người tạc tượng để bổ sung vốn hiểu biết, tay nghề và phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào Cơ Tu” – Alăng Blêu chia sẻ.

    Lưu giữ văn hóa Cơ Tu

    Với niềm đam mê điêu khắc, Alăng Blêu tích cóp tiền mua gỗ, lá, vật liệu và miệt mài suốt 3 tháng ròng để tạo tác dựng mô hình gươl truyền thống Cơ Tu trong vườn nhà. Trong mô hình gươl làng do Alăng Blêu tâm huyết tạo dựng có cả một “bộ sưu tập” tượng, phù điêu gỗ theo phong cách Cơ Tu, do bàn tay của anh tạc nên. Cạnh đó, anh trưng bày nhiều loại nhạc cụ, cồng chiêng, trống, lõi cây… Anh dành hết tâm sức để làm cho mái gươl đẹp nhất, tiêu biểu nhất với mong muốn bảo tồn và giới thiệu văn hóa Cơ Tu. Alăng Blêu chia sẻ: “Tôi mày mò, tìm hiểu cách làm nhà gươl truyền thống của đồng bào Cơ Tu rồi quyết tâm phục dựng. Tôi làm ròng rã ba tháng, gom góp cây cối, tre lá để làm mái cho đúng. Trong quá trình làm gươl, tôi học hỏi từ các già làng để mô hình phục dựng sao cho chuẩn nhất. Trong gươl này tôi sưu tầm trống, chiêng, sừng các loại và nhiều vật dụng hàng ngày để góp phần lưu giữ văn hóa Cơ Tu của đồng bào mình”.

    Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Đông Giang cho biết, trong kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang giai đoạn 2017 – 2019, địa phương tập trung bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể của đồng bào, đặc biệt là hát lý, dệt thổ cẩm, các điệu dân ca – dân vũ, nghệ thuật tạc tượng, điêu khắc gỗ… Riêng về tạc tượng gỗ và nghệ thuật điêu khắc truyền thống Cơ Tu, huyện tiếp tục hỗ trợ các nghệ nhân giới thiệu, quảng bá các bộ tượng, phù điêu… rộng rãi tại các lễ hội, hoạt động văn hóa – du lịch trong và ngoài huyện. “Trong 26 nghệ nhân của huyện Đông Giang, nghệ nhân Alăng Blêu là người trẻ nhưng đam mê gìn giữ, bảo tồn điêu khắc để lưu lại cho thế hệ mai sau. Những bộ tượng điêu khắc gỗ của anh Alăng Blêu được trưng bày, giới thiệu tại các bảo tàng lớn ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng cũng như giới thiệu tại nhiều lễ hội văn hóa đã góp phần bảo tồn, quảng bá giá trị văn hóa – nghệ thuật điêu khắc của đồng bào Cơ Tu nói chung, huyện Đông Giang nói riêng đến với công chúng”.

    Nguồn: baoquangnam.vn

     

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU