Trang chủVăn hóaCon mắt xanh dành cho phố Hội

    Con mắt xanh dành cho phố Hội

    Với Nhà văn Nguyễn Văn Xuân, người được mệnh danh là nhà Quảng Nam học (nay đã mất) ông quen biết Kazik không qua công việc chuyên môn, mà vì cái thú lai rai uống rượu với Kazik. Và tác giả đưa ra những nhận xét rất độc đáo ngay từ lần gặp đầu tiên với Kazik ở bến cá Thuận Phước. Đó là cách dùng ngoại ngữ. Người Ba Lan xưa kia cũng như người Nga xem tiếng Pháp là trọng, nhiều người có thể viết và nói thông thạo ngôn ngữ này. Nhưng ông thì không và hình như ông cũng không thạo một ngoại ngữ nào. Kazik có đặc biệt là chẳng sợ nói, chẳng sợ viết. Ông có thể viết cho bạn bè một bức thư mà hình vẽ thay cho ngôn từ không thể thiếu để bạn hiểu rõ ý nghĩ của ông. Đó là điều tôi đã học nơi ông. Đối với Hội An Kazik có vai trò đáng kể. Trước người Việt Nam, người Pháp, người Nhật cũng có nhiều vị nghiên cứu Hội An và lưu lại những trang giá trị. Nhưng cho đến hậu bán thế kỷ 20 nổi lên hai nhân vật có những công trình khám phá mở đầu cho sự nghiên cứu lớn về Hội An. 

    Người thứ nhất theo nhà văn Nguyễn Văn Xuân là Hoa kiều Chen Chin Ho, phiên ra Việt ngữ là Trần Kinh Hòa. Nhờ sự nghiên cứu này, mới nổi bật lên từ thập niên 50, sự tìm hiểu lịch sử Hội An có phương pháp, có hệ thống. Trần Kinh Hòa cũng đã phổ cập phố cổ bằng hoa ngư khắp vùng Đông Á. Sau năm 1975, nhân vật thứ hai đó là Kazik. Ông không viết nhiều nhưng bài “Hội An, môt di sản kiến trúc đô thị” in trên một tạp chí ở Quảng Nam Đà Nẵng đã gây sự quan tâm đặc biệt từ Bắc chí Nam; bài này năm 1985 có in ở tập kỷ yếu hội nghị và sau đó 1988 in trong Văn nghệ Hội An. Theo tôi hiểu thì chính bài báo của Kazik mới khuấy động lên phong trào mới mẻ trước kia chưa đề cập, kể cả Trần Kinh Hòa. Sự nghiên cứu về Hội An trước Kazik nặng về lịch sử và xã hội, còn sau vị kiến trúc sư Ba Lan này mới nặng vấn đề kiến trúc và đô thị. Nó có thể là cái tay vẫy gọi để các nhà nghiên cứu Việt, Nhật tổ chức các hội nghị quốc gia, quốc tế và khơi nguồn cho một số tác phẩm nghiên cứu về Hội An cổ sau này. Nó đánh dấu sự phát triển mới của ngành nghiên cứu và khảo cổ ở Hội An.

    Năm 2007, TP Hội An đã cho xây dựng một công viên nhỏ ngay trung tâm khu phố cổ Hội An (138 Trần Phú) và đặt bức tượng bán thân KTS Kazik tại đây để tưởng nhớ công lao của ông.

    Trong khi đó, nhà nghiên cứu Hồ Hải Học lại nhìn nhận bằng một thực tiễn khác của mình. Bây giờ Hội An đô thị cổ đã nổi tiếng khắp thế giới, còn hồi đó ông dẫn Kazik đi là một thị xã nhỏ vẫn như một viên ngọc quý đang bị phủ bởi một lớp bụi thời gian. Và chính Kazik là một trong những người sớm nhận ra vẻ đẹp và giá trị to lớn của những kiến trúc cổ, của những nét văn hóa truyền thống phong phú của vùng đất ngay cửa ông Thu Bồn này. Chuyện kể có lần lãnh đạo thị xã tiếp Kazik, anh say sưa nói về phố cổ, về tiềm năng thu hút du khách du lịch rồi hỏi những lãnh đạo thị xã- Như thế này mà các ông không tổ chức đón khách du lịch? Chủ tịch thị xã Hội An lúc đó thoáng bối rối trước câu hỏi bất ngờ đó, mãi một hồi lâu mới trả lời “chưa có khách sạn”. Thế định bao giờ mới xây khách sạn? Kazik chất vấn – có định xây khách sạn hiện đại hơn các khách sạn hiện đại của thế giới không?

    Và Kazik tự trả lời. Nếu chỉ vì khách sạn sang trọng, hiện đại thì du lịch kéo sang đây làm gì. Thị xã ta chưa có khách sạn và chắc có xây cũng không có vốn để xây khách sạn bốn năm sao đâu. Nhưng các căn nhà cổ kia là những khách sạn không đủ sao mà xếp đâu. Chỉ cần sửa sang lại một chút, trang bị thêm một chút là có thể đón khách rồi. Và sau đó kiến trúc sư Kazik đã thử nghiệm thiết kế một khách sạn nhà cổ như vậy. Cụ thể đó là việc KTS Kazik miệt mài thiết kế ngôi nhà số 33 Nguyễn Thái Học thành một khách sạn 10 phòng. Ông cũng lại vẽ ghi đề xuất phương án cải tạo nhà số 75 Trần Phú thành một quán bar phục vụ khách nước ngoài.

    Dự cảm về một tương lai ồn ào náo nhiệt với những đoàn khách du lịch, ông hối thúc Hội An có ngay biện pháp vẽ ghi lưu trữ hồ sơ di tích để đề phòng sự biến cải gấp gáp bất thường của bộ mặt khu phố. Việc vẽ ghi hiện trạng mặt tiền và dự định cải tạo một số đoạn đường Trần Phú vào những năm ấy do Kazik chủ trương đã rất đúng với dự cảm của ông. Nhiều người sống trong phố cổ Hội An đã có tiền, có nhu cầu về chỗ ở, đã tu sửa nhà cổ  trong phố. Cá biệt, có người xin hủy nhà cũ, xây bê tông đổ mê cho khang trang, thoáng đãng hơn. Song, với sự góp sức của ông, bằng tình yêu, ngọn lửa đam đã truyền tới lãnh đạo Hội An. Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư thành ủy Hội An, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND thị xã Hội An  khẳng định: “Trong cuộc hành trình đi đến di sản, Hội An mang ơn Kazik rất nhiều. Ông là người đã tái tạo và làm sống lại một Hội An kiêu hãnh như ngày hôm nay”.

    Sau nhiều năm khảo sát kỹ lưỡng cẩn thận trọng, báo cáo số 1 của ông đã được đệ trình đến tổ chức bảo tồn các đô thị cổ Ba Lan và thế giới. Trong văn bản có đoạn viết: “Hội An là một đô thị cổ có vẻ đẹp không trùng lặp với bất kỳ một đô thị cổ nào khác, thể hiện trong cấu trúc phố phường, sự phong phú trong các dạng thể kiến trúc, sự hoàn thiện trong chạm khắc, nội thất, các quần thể kiến trúc, tạo cho phố cổ Hội An những đặc điểm nổi bật trong không gian và thiên nhiên riêng biêt…..

    Từng làm việc với cố KTS. Kazik khi còn là Giám đốc Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn Hóa Hội An, ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, những kinh nghiệm từ con người và sự nghiệp của Kazik luôn là những di sản quý giá cho hôm nay và sau này. Cách đây hơn 30 năm, KTS Kazik cùng với những chuyên gia khác của Ba Lan đã mở một trang mới cho Hội An để bắt đầu lập hồ sơ khoa học trùng tu, tu bổ di tích và thổi luồng gió mới về nhận thức cho cả lãnh đạo và nhân dân Hội An. Kazik đã truyền tình yêu di sản vào cộng đồng Hội An và có vai trò hết sức quan trọng trong việc làm cho thế giới biết đến Hội An để sau này được công nhận là Di sản văn hóa thế giới./.

     

                                                                                                     Võ Văn Trường

     

     

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU