Trang chủPhóng sựCần nâng giá trị sâm ba kích tím

    Cần nâng giá trị sâm ba kích tím

    Ba kích tím đặc trưng của vùng Tây Giang nói riêng, Quảng Nam nói chung được xem là cây đặc hữu, được đưa vào danh mục bảo tồn và phát triển cây dược liệu của tỉnh, cùng với cây sa nhân tím và đẳng sâm. Dù có giá trị, giá thành cao hơn các loại ba kích phía Bắc và Trung Quốc, song cây ba kích tím lại chưa được tiêu dùng rộng rãi, khó cạnh tranh. Vì vậy cần chú trọng đúng mức tới khâu nghiên cứu, đánh giá về dược tính, nâng giá trị thương hiệu của sản phẩm đặc hữu, hướng tới phát triển bền vững.
    Vườn ươm cây ba kích tím ở xã Lăng, Tây Giang. Ảnh: HOÀNG LIÊN
    Vườn ươm cây ba kích tím ở xã Lăng, Tây Giang. Ảnh: HOÀNG LIÊN

    80% cơ sở Đông y nhập khẩu ba kích

    Đó là chia sẻ của TS. Hồ Lê Phi Khanh (Trường Đại học Nông lâm Huế) qua khảo sát thị trường tiêu thụ ba kích (cơ sở chế biến rượu từ ba kích, các đại lý thu gom, cơ sở kết hợp với các dược liệu khác để làm thuốc Đông y) ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Theo TS. Khanh, đối với sản phẩm rượu làm từ ba kích ở Đà Nẵng, có 50% nguyên liệu được mua từ các huyện trồng ba kích tím ở Quảng Nam, còn lại 30% được mua ở phía Bắc và 20% nhập khẩu từ Trung Quốc. Trái lại, đối với thị trường rượu ba kích tại Quảng Nam, kết quả khảo sát gần 100% nguyên liệu sử dụng từ ba kích của các huyện miền núi Quảng Nam, chủ yếu ở Tây Giang.

    “Nhìn chung, sản phẩm ba kích hiện chủ yếu bán thô hoặc ngâm rượu. Qua khảo sát tại các cơ sở ngâm rượu, các đại lý thu mua, phần lớn đều đánh giá sản phẩm ba kích tại Quảng Nam cao hơn so với các địa phương khác về chất lượng, giá cả. Cụ thể, giá bán mỗi ký ba kích tươi Quảng Ninh là 50 nghìn đồng, Vĩnh Phúc 80 nghìn đồng, riêng ba kích tím Tây Giang là 250 nghìn đồng. Hầu hết cơ sở sản xuất rượu ba kích trên địa bàn Quảng Nam sử dụng nguyên liệu tại chỗ, đây là thế mạnh cho phát triển vùng nguyên liệu” – TS. Khanh nói.

    Cũng theo TS. Khanh, qua khảo sát thị trường thuốc Đông y tại Đà Nẵng, có 80% nguồn nguyên liệu được thu mua từ Trung Quốc và 20% được thu mua tại Quảng Ninh. Tại Quảng Nam, ba kích sử dụng trong Đông y cũng chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nguyên nhân, theo các cơ sở Đông y, do ba kích Quảng Nam có hình thái không đẹp, rễ mỏng, lõi lớn, vì vậy dược tính thấp hơn ba kích Quảng Ninh và Trung Quốc. Một phần, giá thành của ba kích phía Trung Quốc, Quảng Ninh lại rẻ hơn so với Quảng Nam, sản lượng nhiều.

    “Cần có những nghiên cứu chuyên sâu, chứng minh được hàm lượng dược tính của ba kích tím Quảng Nam, nghiên cứu sự thay đổi hàm lượng dược tính của ba kích qua các thời kỳ sinh trưởng. Việc nghiên cứu sâu sẽ giúp tăng giá trị, thương hiệu của ba kích Quảng Nam” – TS. Khanh nói.

    Xây dựng thương hiệu ba kích tím

    Từ các chính sách phát triển cây dược liệu của tỉnh, tại nhiều địa phương như Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang, vùng trồng, bảo tồn cây ba kích được triển khai, phát huy hiệu quả bước đầu, chủ động bảo tồn nguồn gen ba kích tím, chủ động tạo vườn giống gốc phục vụ mục tiêu sản xuất giống chuẩn trên địa bàn tỉnh.

    Tại Tây Giang, vùng bảo tồn ba kích xã Lăng có diện tích 6ha. HTX Thiên Bình (Tây Giang) hiện có vùng trồng ba kích nguyên liệu rộng hơn 5ha. Tại Đông Giang, vùng trồng bảo tồn có diện tích 4ha dưới tán rừng. Tại Tây Giang, huyện chú trọng cấp giống cây ba kích tạo sinh kế trong dân. Tại Phước Sơn, từ hỗ trợ của dự án Trường Sơn Xanh, vùng trồng nguyên liệu ba kích hình thành tại 2 xã Phước Mỹ và Phước Xuân trên tổng diện tích 6ha với 75 hộ trồng.

    Một số hộ trồng ba kích đã có nguồn thu nhỏ như ông Bríu Pố, Clâu Nghi (xã Lăng, Tây Giang). Song, dù là “thủ phủ” của cây ba kích tím nhưng sản lượng ba kích tại Quảng Nam còn quá nhỏ lẻ, manh mún, giá cao. Diện tích ba kích hiện chủ yếu trồng phục vụ mục tiêu bảo tồn gen, tạo giống gốc, nguồn nguyên liệu còn ít ỏi.

    Quảng Nam có 2 cơ sở chuyên về sản xuất rượu ba kích ở Tây Giang là cơ sở Chính Châu và Đức Huy, đang hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP. Ngoài ra, còn có gần 10 cơ sở tại Đà Nẵng và Quảng Nam chuyên thu mua sản phẩm ba kích tươi, ba kích đã sao vàng, rượu ba kích, có nhu cầu nhập ba kích tím Quảng Nam, song sản lượng chưa nhiều. Các cơ sở ở Đà Nẵng và Quảng Nam phần lớn, có nhu cầu tiêu thụ ba kích khô rút lõi, sao tẩm, phơi khô và ba kích tươi. Những cơ sở thu gom có nhu cầu sấy khô sản phẩm ba kích để dễ tiêu thụ.

    Từ kết quả khảo sát thực tế, nhiều nhà chuyên môn đề xuất, với định hướng bảo tồn và phát triển cây dược liệu, tạo vùng dược liệu hàng hóa của tỉnh, trong tương lai gần, cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ thương hiệu ba kích tím Quảng Nam trong và ngoài nước, xây dựng và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm ba kích tím Quảng Nam; cần chú trọng đầu tư nghiên cứu khoa học xác định hàm lượng dược tính của cây ba kích, tạo các sản phẩm đặc hữu như thực phẩm chức năng, trà ba kích, cao ba kích, bên cạnh sản phẩm rượu ngâm ba kích và ba kích bán tươi… Quảng Nam cần có chủ trương, định hướng các cơ sở thuốc Đông y tăng cường sử dụng sản phẩm ba kích bản địa trong việc khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Cần xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm ba kích đối với các dự án, mô hình hỗ trợ người dân trồng ba kích dưới tán rừng. Cần tính tới yếu tố thị trường, thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm ba kích, hướng tới phát triển bền vững.

    Nguồn: baoquangnam.vn

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU