Trang chủPhóng sựCá nuôi trong lồng bè chết đột ngột

    Cá nuôi trong lồng bè chết đột ngột

    Do môi trường nước biến động, cá nuôi trong lồng bè tại thôn Mỹ Cang (xã Tam Thăng) và phường Phước Hòa (TP.Tam Kỳ) chết đột ngột khiến nông hộ thua lỗ.

    Cá nuôi trong lồng bè chết đột ngột
    Cá nuôi trong lồng bè chết đột ngột

    Không kịp trở tay

    Tháng 11.2018, hộ ông Cao Văn Xuân (thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) đầu tư bè nuôi 3 lồng cá điêu hồng, cá trê và cá trắm cỏ trên sông Mỹ Cang đoạn qua địa bàn. Đến ngày 13.5, sau 6 tháng nuôi, gia đình sắp sửa thu hoạch để bán cá thương phẩm thì cá chết đột ngột. “Cá chết đồng loạt không kịp trở tay. Thất bát vụ này, chúng tôi thua lỗ nặng nề, không biết làm sao xoay xở để trả nợ ngân hàng. Tôi thỏa thuận bán cá cho tư thương với giá bình quân cả 3 loại cá là 45 nghìn đồng/kg. Gia đình đã mất trắng hàng trăm triệu đồng. Riêng số tiền thiệt hại đầu tư nuôi cá là hơn 150 triệu đồng” – ông Xuân cho biết.

    Tương tự, hộ ông Trương Công Mỹ ở thôn Mỹ Cang đầu tư 1 bè nuôi cá điêu hồng từ cuối năm 2018. Vào sáng 13.5, cá trong 4 lồng đang đến kỳ thu hoạch của ông Mỹ đã chết đồng loạt. Cá ở 2 lồng còn lại mới thả giống đang thoi thóp, nổi lên mặt nước để thở. “Cá điêu hồng nổ đom đóm ở mắt. Da cá đang đỏ hồng bỗng chuyển sang tím tái. Cá chết đồng loạt, bất lực chứ làm sao trở tay kịp” – ông Mỹ nói. Theo tính toán của ông Mỹ, số tiền thiệt hại do đầu tư nuôi cá hơn 150 triệu đồng. Dự tính số tiền đã thỏa thuận bán cá theo ký cho tư thương mất trắng gần 400 triệu đồng. “Thủy triều dâng cao, nước sông bỗng mặn gấp nhiều lần trước đây. Môi trường nước biến động nặng nề, cá không đủ sức đề kháng nên chết” – ông Mỹ cho biết.

    Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều lồng bè nuôi cá trên sông Bàn Thạch đoạn chảy qua phường Phước Hòa (TP.Tam Kỳ) cũng xuất hiện tình trạng các loại cá leo, cá điêu hồng chết đột ngột. Ông Nguyễn Văn Cư – hộ nuôi cá trong lồng bè ở khu vực này cho biết, có đến 9 lồng cá leo ông bỏ công chăm sóc trong 4 tháng qua bị chết đồng loạt mà chưa rõ nguyên nhân, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

    Phá vỡ quy hoạch!

    Ông Mai Huy Chương – cán bộ phụ trách nông nghiệp của UBND xã Tam Thăng cho biết thêm, cá tự nhiên và cá nuôi trong lồng bè chết còn do nguyên nhân môi trường nước sông Mỹ Cang bị ô nhiễm. Xung quanh những khu vực cá chết, rác thải, xác động vật ngổn ngang, bốc mùi hôi thối. Ông Bùi Ngọc Huy – Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho hay, chưa nắm được tình hình cá nuôi trong lồng bè bị chết đồng loạt. “Chúng tôi sẽ yêu cầu UBND xã Tam Thăng báo cáo tình hình cá nuôi trong lồng bè chết. Sau đó mới đề xuất, phối hợp với ngành môi trường và thủy sản của tỉnh đi kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân và cảnh báo nông hộ nuôi cá ứng phó. Tuy nhiên, nuôi cá trong lồng bè ở sông Mỹ Cang không nằm trong quy hoạch, UBND TP.Tam Kỳ không khuyến khích nông hộ nuôi cá vì phá vỡ quy hoạch” – ông Huy nói. Ông Dương Văn Chí – Trường Phòng Tài nguyên – môi trường TP.Tam Kỳ cho biết, mới chỉ nắm rõ thông tin cá trong tự nhiên chết hàng loạt trên sông Mỹ Cang và sông Bàn Thạch chứ chưa rõ việc cá nuôi trong lồng bè của nhiều hộ dân chết đột ngột. “Chúng tôi sẽ phối hợp cùng Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ và các ngành chức năng của tỉnh, rà soát tình hình và lấy mẫu để xét nghiệm, phân tích nguyên nhân, cảnh báo nông hộ nuôi cá” – ông Chí cho hay.Theo ông Lê Đình Nho – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, những ngày qua, các loại cá rô phi trong tự nhiên đã chết trắng trên sông Mỹ Cang. Sau khi đo độ mặn nước sông là 5/1.000, có thể dự đoán được nguyên nhân ban đầu gây nên cá chết do nước sông bị xâm nhập mặn nghiêm trọng. “Với độ mặn đo được trên sông Mỹ Cang có thể khẳng định, không có loại cá nước ngọt nào có thể sống được. Cá nuôi trong lồng bè của các nông hộ bị chết, nguyên nhân môi trường nước bị biến động do xâm nhập mặn nghiêm trọng” – ông Nho nói.

    Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trong quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP.Tam Kỳ không có khu vực nuôi cá trong lồng bè. Về lấy mẫu, xét nghiệm, phân tích nguyên nhân, cảnh báo các nông hộ nuôi cá trong lồng bè đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, thuộc phạm vi chức năng của Chi cục Chăn nuôi & thú y. “Chúng tôi sẽ kết hợp với các ngành chức năng của tỉnh để hướng dẫn nông hộ nuôi cá trong lồng bè đảm bảo khu vực và quy trình kỹ thuật. Nông hộ không nên nuôi cá trong lồng bè quá dày đặc vì cá sẽ dễ chết trong điều kiện mùa nắng nóng có nhiều đợt giông, mưa lớn, nhiệt độ thay đổi đột ngột” – bà Tâm nói.

    Còn bà Hoàng Thị Kim Yến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y (Sở NN&PTNT) cho biết, sau khi được các ngành chức năng của TP.Tam Kỳ báo cáo sẽ đi kiểm tra, lấy mẫu cá chết, mẫu nước sông để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

    Nguồn: baoquangnam.vn

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU