Trang chủPhóng sựÁp lực giao khoán bảo vệ rừng

    Áp lực giao khoán bảo vệ rừng

    Nhu cầu tiêu thụ gỗ tự nhiên gia tăng, miền núi thiếu đất sản xuất, cộng với tình trạng nắng nóng kéo dài, nguy cơ cao cháy rừng, khiến lực lượng kiểm lâm gặp nhiều áp lực trong chính sách giao khoán, bảo vệ rừng (BVR).
    Lực lượng kiểm lâm trong chuyến tuần tra rừng ở Tam Mỹ Tây (Núi Thành). Ảnh: T.H
    Lực lượng kiểm lâm trong chuyến tuần tra rừng ở Tam Mỹ Tây (Núi Thành). Ảnh: T.H

    Xâm hại rừng do thiếu đất sản xuất

    Diện tích rừng phòng hộ Sông Tranh thuộc nhiều địa phương như Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức. Từng lâm phận đã được giao về địa phương quản lý, nhưng cả chục năm nay “cuộc chiến” với các hành vi xâm hại rừng chưa bao giờ có hồi kết. Năm 2018, Bắc Trà My đã khởi tố hình sự 8 vụ liên quan đến các hành vi phá rừng, trong đó có 6 vụ xác định được đối tượng vi phạm để chuyển cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định. Theo UBND huyện Bắc Trà My, khó khăn nhất là do rừng tự nhiên trên địa bàn nằm giáp ranh với nhiều huyện miền núi của tỉnh và tỉnh Quảng Ngãi. “Điểm nóng” tận thu gỗ lậu được xác định nằm ở khu vực giáp ranh giữa xã Trà Giáp với tỉnh Quảng Ngãi và huyện Nam Trà My; khu vực xã Trà Đốc giáp huyện Hiệp Đức; khu vực Trà Kót giáp huyện Phú Ninh và Núi Thành.

    Ở khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung, phần lớn diện tích rừng được giao khoán bảo vệ theo chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ. Trong số 41.691ha rừng tự nhiên thì khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Bung, diện tích cung ứng DVMTR hơn 37.476ha (chiếm gần 90% tổng diện tích rừng buộc phải chi trả DVMTR).

    Tuy nhiên, tình trạng xâm hại tài nguyên dai dẳng trong lâm phận đã giao khoán bảo vệ. Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung cho rằng, khó khăn của giao khoán BVR thời gian qua là công tác quy hoạch chưa sát thực tế.Minh chứng, một số diện tích nương rẫy cũ bỏ hoang nhiều năm không sản xuất được, chưa đủ tiêu chí thành rừng vẫn quy hoạch giao khoán bảo vệ. Tuy nhiên, do không đảm bảo tiêu chí cung ứng DVMTR sau khi nghiệm thu, diện tích giao khoán và nguồn tiền của nhóm hộ cũng giảm. “Áp lực giữ rừng chủ yếu do thiếu đất sản xuất dẫn đến hệ lụy người dân phá rừng phòng hộ để lấy đất mở rộng diện tích nương rẫy. Nhu cầu sử dụng gỗ làm nhà tại chỗ của bà con khá lớn. Nhân viên hợp đồng BVR mức lương thấp, không được hưởng chế độ ưu đãi nên chưa tâm huyết với trách nhiệm giữ rừng” – ông Phước nêu tồn tại.

    Cháy rừng gia tăng

    Khó quản lý lâm phận
    Theo ngành chức năng, chủ rừng lớn là các ban quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên bị xâm hại có tình trạng chung là thiếu rõ ràng trong chính sách giao khoán BVR. Đơn cử, lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung được quản lý theo ranh giới quy hoạch và đã đóng mốc ranh giới ngoài thực địa. Tuy nhiên, hiện nay giữa ranh giới hành chính và ranh giới truyền thống của các địa phương chưa có sự thống nhất nên xảy ra tranh chấp giữa các thôn, gây khó khăn cho công tác quản lý lâm phận. Ngoài ra, theo chủ rừng này, có thôn thì số hộ dân đông mà diện tích rừng khoán ít, ngược lại có thôn số hộ ít mà diện tích giao khoán nhiều nên tiền bình quân của mỗi hộ có sự chênh lệch khá lớn. Điều này dẫn đến tâm lý so bì quyền lợi khi BVR.

    Sở NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương có rừng và chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); yêu cầu người dân trong khu vực có nguy cơ dễ cháy ký cam kết sử dụng lửa đúng quy định. Cạnh đó, lực lượng kiểm lâm thực hiện giám sát các trường hợp có sử dụng lửa trong và ven rừng; tổ chức ký cam kết và đăng ký về thời gian, địa điểm, diện tích, loại thực bị cần đốt với trưởng thôn, lực lượng hợp đồng BVR và PCCCR; cắt cử kiểm lâm địa bàn theo dõi, giám sát, nhất là ở các “điểm nóng”.

    Nhưng, ngọn lửa vẫn thiêu đốt nhiều cánh rừng. Gần đây nhất, chiều tối 30.4, lửa đã thiêu rụi nhiều diện tích rừng trồng của người dân tại khu vực giáp ranh 2 xã Duy Sơn và Duy Trung (Duy Xuyên). Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, số vụ cháy rừng có chiều hướng gia tăng đột biến từ năm 2018 đến nay. Năm 2018, cả tỉnh xảy ra 6 vụ cháy rừng tự nhiên và rừng trồng với diện tích thiệt hại hơn 51,5ha. Trong khi đó, chỉ 5 tháng đầu năm nay, cũng xảy ra 6 vụ cháy rừng và hiện nay đang trong thời điểm dự báo cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm.

    Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh – ông Phan Tuấn cho rằng, thách thức trong phòng ngừa giặc lửa là đang trong thời điểm nắng nóng khô hanh kéo dài nên nếu xảy ra cháy rừng, ngọn lửa sẽ phát tán rất nhanh. Phần lớn diện tích rừng trồng đều nằm gần khu dân cư, nếu người dân bất cẩn sử dụng lửa thì nguy cơ cháy rừng sẽ rất cao. Ngược lại, việc khống chế dập lửa ở rừng tự nhiên không hề đơn giản, bởi địa hình miền núi xa xôi, hiểm trở. Bất cập là đa số các vụ vi phạm về PCCCR không điều tra được nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nhằm nâng cao tính nghiêm minh, răn đe và phòng ngừa chung.

    Nguồn: baoquangnam.vn

     

     

     

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU