Trang chủPhóng sự60 NĂM SÂU NẶNG NGHĨA TÌNH THANH – QUẢNG

    60 NĂM SÂU NẶNG NGHĨA TÌNH THANH – QUẢNG

    Trong những năm đánh Mỹ, hòa trong tình cảm Bắc – Nam ruột thịt, mối quan hệ mật thiết ruột rà giữa mảnh đất và con người Thanh Hóa và Quảng Nam đã để lại nhiều dấu ấn khó phai và hết sức có ý nghĩa. Nhìn lại quãng thời gian đó khi thực hiện Nghị quyết số 15 của BCH T.Ư Ðảng (khóa II) chỉ đạo các tỉnh, thành phố miền Bắc kết nghĩa với các tỉnh, thành phố miền Nam; ngày 12- 3- 1960, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính, MTTQ tỉnh Thanh Hóa và Ủy ban Thống nhất T.Ư, Hội đồng hương Quảng Nam và hàng vạn đồng bào, chiến sĩ Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kết nghĩa hai tỉnh tại thị xã Thanh Hóa (ngày nay là TP Thanh Hóa).

    Sau khi tổ chức Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa- Quảng Nam, các huyện của hai tỉnh cũng đã lần lượt làm lễ kết nghĩa, bao gồm thị xã Thanh Hóa với thị xã Hội An, các huyện Tĩnh Gia với Ðại Lộc, Hoằng Hóa với Ðiện Bàn, Ðông Sơn với Thăng Bình, Thọ Xuân với Quế Sơn…Ðây được coi là sự kiện chính trị trọng đại của cả hai địa phương. Kể từ đó, Ðảng bộ, nhân dân hai tỉnh luôn kề vai sát cánh, cùng nhau tạo ra những giá trị tinh thần, vật chất to lớn, qua đó động viên, cổ vũ lẫn nhau thực hiện thắng lợi đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng đến ngày toàn thắng.

    Có thể nói, thời kỳ đó, các phong trào thi đua sản xuất, chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa với tinh thần vì Quảng Nam kết nghĩa diễn ra rộng khắp. Từ các phong trào “3 đảm đang”, “3 sẵn sàng”, chiến dịch “Ðiện Biên Thanh Hóa- Quảng Nam quyết thắng” đến các phong trào “Hòn đá chống Mỹ”, “3 giỏi”, “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, “4 đường ra, 3 đường vào”… Một trong những sự kiện quan trọng để lại dấu ấn khó phai là năm 1968, Trung ương quyết định điều động Công ty thuyền nan vào tuyến lửa. Tỉnh ủy Thanh Hóa lúc đó quyết định đổi “Công ty thuyền nan chống Mỹ cứu nước” thành “Ðoàn vận tải Lam Sơn”. Ngày 12-2- 1969, tỉnh Thanh Hóa tổ chức 15 thuyền vượt biển, sau đó là 36 thuyền, sau cùng là 59 thuyền, tổng cộng có 361 thủy thủ dũng cảm đưa được 110 thuyền nan vượt biển. Sau hai năm, Ðoàn vận tải Lam Sơn đã vận chuyển cho chiến trường B khoảng 103.400 tấn hàng; vận chuyển trong nội địa 33.600 tấn hàng.

    Mặt khác, Thanh Hóa đã cử hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho các đơn vị ở Quảng Nam như: Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 890 đặc công, bệnh xá 78… Có thời điểm tại Quảng Nam có hơn một nửa quân số là con em Thanh Hóa. Ngoài việc tăng cường quân số cho các đơn vị, Thanh Hóa thành lập Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn để chi viện cho tỉnh Quảng Nam, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, mưu trí, dũng cảm chiến đấu hàng trăm trận lớn, nhỏ trên khắp các địa bàn Hòa Vang, Ðại Lộc, Duy Xuyên, Ðiện Bàn và đã lập nhiều chiến công xuất sắc.

    Ngoài việc cử con em trực tiếp vào chiến trường Quảng Nam chiến đấu, Thanh Hóa đã cử nhiều cán bộ chính trị, quân sự khác vào tăng cường cho Quảng Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã có 1.200 cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương Thanh Hóa đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương Quảng Nam kết nghĩa. Chia lửa với Quảng Nam, không chỉ chi viện sức người, sức của vào chiến trường miền nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng, trên vùng trời miền bắc, Thanh Hóa đã tổ chức chiến tranh nhân dân, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt bằng lực lượng không quân và hải quân của giặc Mỹ. Quân và dân Thanh Hóa đã chiến đấu bắn rơi 360 máy bay phản lực, 57 chiến hạm, bắt sống nhiều giặc lái… Chiến công đó góp phần buộc Mỹ chấp nhận Hội nghị bốn bên tại Pari về chấm dứt chiến tranh phá hoại và rút quân về nước, mở ra điều kiện thuận lợi thống nhất Tổ quốc.

    Ðáp lại tình cảm của Ðảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, quân và dân Quảng Nam đã chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, khích lệ tinh thần chiến đấu cho quân và dân Thanh Hóa. Cảm động nhất là những cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước bị địch bắt giam tại nhà lao Hội An, không quản chế độ lao tù hà khắc, đã thêu chiếc khăn lớn có hình nhà lao Hội An tặng Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ VII vào năm 1969. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiếp nối truyền thống đoàn kết, thắm tình đồng chí anh em, hai tỉnh tiếp tục có nhiều hoạt động thể hiện mối tình đoàn kết keo sơn, thủy chung son sắt. Thanh Hóa đã tích cực hỗ trợ Quảng Nam khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh. Hằng năm, hai tỉnh và các huyện, thị xã kết nghĩa đã thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội; kịp thời động viên, giúp đỡ nhau mỗi khi gặp thiên tai, bão lụt…

    Trải qua 60 năm, Ðảng bộ và nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam đã hun đúc và tô thắm những sự kiện lịch sử thiêng liêng. Kỷ niệm trọng thể 60 năm kết nghĩa là dịp Ðảng bộ và nhân dân hai tỉnh cùng nhau ôn lại truyền thống cao đẹp, vững bước tiến tới tương lai tươi sáng, tô thắm thêm quan hệ kết nghĩa giữa tỉnh Thanh và xứ Quảng anh hùng.

                                                                                                              Võ Văn Trường

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU