Trang chủVăn hóaGiếng Chăm cổ

    Giếng Chăm cổ

    Bên cạnh những đền tháp, người Chăm xưa còn lưu lại một loại di tích tuy có không nhiều và cũng ít được biết đến nhưng lại rất độc đáo: những giếng nước không bao giờ cạn. Quảng Nam – nơi có nhiều đền tháp Chăm may mắn còn lại được những giếng Chăm cổ khá nguyên vẹn. Đây là những di vật nói lên tài phong thủy và cả tài chế tác loại vật liệu xây dựng bền vững nghìn năm dù ngâm mình dưới nước hay thi gan dưới nắng mưa trên mặt đất: viên gạch của người Chăm xưa.

    Giếng Chăm ở sát hè nhà ông Trần Hưng Thành, cách giếng nhà ông Mích chừng 50m
    Giếng Chăm ở sát hè nhà ông Trần Hưng Thành (xã Tam Xuân 1, Núi Thành). Ảnh: HOÀNG MINH

    Giếng cổ bên tháp cổ

    Nếu ví tháp Chăm – những công trình nổi – là những linga (tượng trưng cho dương vật) thì cũng có thể coi giếng Chăm – những công trình chìm – là những yoni (tượng trưng cho âm hộ), là cặp vật thờ biểu tượng cho nguyên lý sinh tồn của Bà-la-môn giáo, vốn là tín ngưỡng của người Chăm.

    Từ niềm tin về sự bền bỉ của viên gạch do mình làm nên, người Chăm xưa đã dùng chính loại gạch xây tháp để xây giếng nước. Có thể nói như vậy qua thực nghiệm mài – chập: vốc nước mài những viên gạch ở giếng Chăm cổ vẫn thấy lượng bột gạch tạo ra trong quá trình mài (để trở nên là một loại hồ gắn kết 2 viên gạch lại với nhau khi xây gạch), cũng như có thể chạm khắc được các họa tiết trên viên gạch mà không bị vỡ dăm, vốn là những tính năng đặc biệt chỉ có ở gạch Chăm xây tháp xưa.

    Ông Nguyễn Văn Mích bên giếng Chăm ở sân nhà ông ở làng Khương Mỹ (Tam Xuân 1, Núi Thành).
    Ông Nguyễn Văn Mích bên giếng Chăm ở sân nhà tại làng Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1). Ảnh: HOÀNG MINH

    Cùng với sự tồn tại kỳ diệu của những viên gạch xây giếng ngâm mình hơn nghìn năm dưới nước (ước tính theo khoảng niên đại của những đền tháp, chùa, cảng Chăm nơi có giếng Chăm cổ), thì điều đáng nói là tài phong thủy của người xưa trong việc tìm ra những mạch nước vĩnh cửu này.

    Những giếng Chăm cổ còn lại ở Quảng Nam đều nằm thành cụm, từ 2 giếng trở lên. Trước hết là cụm 2 giếng tròn ở xóm Suối (thôn An Thiện, xã Tam An, Phú Ninh), cách tháp Chăm Chiên Đàn chừng 1km về hướng nam. Nằm ngay ở đầu xóm, giếng ở vườn nhà ông Hồ Văn Xuân sâu chừng 4,5m, đường kính 1m, đáy giếng được táng bằng tảng sa thạch có hình chảo, ở giữa lòng chảo được khoét sâu như một chiếc gàu lớn. Theo lời ông Xuân, giếng này không bao giờ cạn, là nguồn nước uống của cả 2 làng An Phú Nam và An Phú Bắc trong những cơn đại hạn.

    Giếng Chăm kề bên cụm tháp Chăm Khương Mỹ.
     Giếng Chăm ở vườn ông Võ Lang (xã Tam Xuân 1). Ảnh: HOÀNG MINH

    Còn giếng ở vườn nhà ông Võ Đợi nằm ở cuối xóm Suối, kề sát suối Ông Thủ. Giếng này sâu khoảng 5m, đáy không táng bằng sa thạch, nay vẫn là nguồn nước ăn uống của 4 gia đình ở gần giếng. Ông Đợi cho biết, vào những lúc hạn hán giếng này vẫn có nước đầy khoảng 3m, vào mùa hạn phải dùng đến 3 mô tơ cùng bơm hút sau vài giờ mới cạn để nạo vét làm sạch giếng. Vào những năm hạn hán kéo dài đến mức cư dân thử đào sâu xuống lòng suối vẫn không có nước, thì giếng này là chỗ nước ăn uống cậy dựa cho dân làng Hòa Tây ở gần.

    Cụm 4 giếng Chăm ở gần tháp Chăm Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) đều là giếng vuông. Ngoài 1 giếng nằm cách chân tháp chừng 40m, 3 giếng còn lại ở vườn nhà của các ông Nguyễn Văn Mích, Trần Hưng Thành, Võ Lang, đều nằm ở phía tây tháp, giếng xa nhất chỉ cách tháp chừng 400m. Cùng nằm trên vùng đất gò có bình độ bằng nhau, 4 giếng này đều có độ sâu 5 – 7m, rộng khoảng 1 – 1,1m. Ông Nguyễn Văn Mích (81 tuổi) kể: “Cơn đại hạn kéo dài gần 2 năm 1952 – 1953, dân các làng quanh đây toàn nhờ nguồn nước của 4 giếng cổ này. Người đến đây lấy nước cả ngày đêm, rứa mà không giếng nào cạn, nước giếng mô cũng trong cũng ngọt hết. Người xưa coi đất tìm mạch nước quá giỏi!”.

    Giếng cổ bên cảng xưa, chùa cũ

    Cụm giếng Chăm còn lại ở làng Trung Phường (xã Duy Hải, Duy Xuyên) cũng nằm kề các di tích Chăm có tiếng một thời: cảng Trung Phường, chùa Trung Phường, cách TP.Hội An chừng 3km về hướng đông nam.

    Là cảng thị thịnh đạt của người Chăm xưa, Trung Phường là một trong những bến dừng chính trên “con đường tơ lụa trên biển” – trục giao thương hàng hải quốc tế mà Biển Đông là cửa ngõ bắt buộc phải đi qua của những con tàu xuôi ngược Đông – Tây thời bấy giờ. Cùng với sự thịnh vượng của thương cảng này, người Chăm xưa đã xây dựng ở gần cảng một ngôi chùa mà gạch dùng xây chùa cũng cùng loại với gạch xây tháp. Chưa thấy tài liệu về ngôi chùa Chăm cổ này nhưng có lẽ nó được xây dựng dưới triều Indrapura – vương triều coi đạo Phật là quốc giáo với sự ra đời của Phật viện – kinh thành Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình), cách Trung Phường chừng 40km về hướng tây nam.

    Giếng Chăm kề bên cụm tháp Chăm Khương Mỹ.
    Giếng Chăm kề bên cụm tháp Chăm Khương Mỹ. Ảnh: HOÀNG MINH

    Thời cảng thị Trung Phường thịnh vượng, chùa Trung Phường được xem là nơi hành hương của những thương nhân trong chuyến hải hành dằng dặc trên Biển Đông. Hiện nay ở chùa Trung Phường còn giữ được một số loại tượng vốn là vật cúng dường của các thương nhân từ các tàu buôn cập cảng Trung Phường thời ấy.

    Cụm 9 giếng Chăm cổ ở Trung Phường nằm trên một vệt dài chừng 400m là khu dân cư chạy dọc theo hướng bắc – nam của cồn cát tiếp giáp với biển. Theo anh Nguyễn Chánh – chủ hộ có 1 giếng Chăm ở vườn nhà mình, những giếng cổ này là nguồn nước ăn uống của cư dân trong làng từ bao đời nay. Nhưng gần đây một số hộ có giếng cổ trong vườn đã dời nhà đi nơi khác sinh sống nên một số giếng ở đó đã bị bỏ phế, một số bị vùi lấp, hiện chỉ còn 5 giếng.

    Theo anh Chánh, trong số 9 giếng này có 3 giếng vuông, còn lại là giếng tròn, và người xưa đã làm nên những viên gạch hơi cong (có lẽ họ đã mài gạch) nhằm để dễ xây tròn. Lại có 1 giếng được xây vuông một đoạn, xây tròn một đoạn; có giếng được xây xen bằng sa thạch một đoạn, một số kẽ hở khi xây được chêm chặt bằng san hô. Ngoài ra, ở chùa Trung Phường cũng còn có 1 giếng Chăm.

    Giếng Chăm ở vườn nhà ông Võ Đợi là nguồn nước ăn của 4 hộ ở gần giếng. Ảnh Hoàng Minh
    Giếng Chăm ở vườn nhà ông Võ Đợi (xã Tam An, Phú Ninh). Ảnh: HOÀNG MINH

    Những giếng cổ ở Trung Phường cũng là những mạch nước kỳ diệu. “Hồi chưa có giếng khoan giếng đóng, tôi dùng một mô tơ hút nước ở cái giếng cổ của nhà tôi để tưới đậu cả ngày vẫn không cạn hẳn. Trong khi những giếng của người dân mình thì chỉ hút vài ba giờ là cạn trơ đáy” – anh Chánh nói.

    Theo các vị lão làng ở Trung Phường, người xưa truyền lại rằng các giếng Chăm ở đây thời xưa là nơi cung ứng nước ngọt cho các thương thuyền cập cảng Trung Phường để giao thương hay nghỉ chân rồi nhổ neo tiếp tục cuộc hành trình. Các tư liệu ghi chép của Ba Tư, A Rập từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIV được Louis Ferrand thu thập đã cho biết người Chăm đào giếng rất trong, ngọt và không bao giờ cạn nước, ở dọc các cồn cát ven biển để “xuất khẩu” nước cho các thương thuyền nước ngoài vào biển Chămpa lúc bấy giờ.

    Giếng cổ Chămpa – những “yoni” sinh động  với nguồn nước mát lành vĩnh cửu còn lại là những hiện vật quý trong bảo tàng cuộc sống. Mong sao có những công trình nghiên cứu và kế hoạch bảo tồn thích đáng để những giếng nước nghìn năm không chỉ không mất thêm mà còn khám phá ra những giá trị ẩn khuất  từ những mạch nước kỳ diệu này.

    Nguồn: baoquangnam.vn

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU